Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 2/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) nêu rõ, dự án Luật đã có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện để người nước ngoài đến du lịch, công tác tại Việt Nam.
Theo đại biểu, chúng ta đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam khi quy định thị thực điện tử có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây, đồng thời nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
Quy định này phù hợp đáp ứng với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư.
Dự thảo Luật cũng đề cập việc nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày. Ghi nhận điều này, song đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề nghị nâng thời gian tạm trú lên 60 ngày.
Cũng giống như đại biểu Nguyễn Thanh Phương, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị nâng lên tối thiểu 15 đến 60 ngày, vì mức 45 ngày là mức bình quân trong khu vực.
Ông Lộc giải thích: "Mục tiêu bình quân trong khu vực không còn là tiêu chuẩn của chúng ta. Tiêu chuẩn của chúng ta là vươn tới mức hàng đầu, nhóm 3, nhóm 4 trong ASEAN, trong mọi lĩnh vực chứ không riêng gì trong lĩnh vực này. Nếu 45 ngày là tương đương với mức trung bình trong khu vực nên tôi đề nghị nâng lên 60 ngày để đảm bảo mức tiên tiến trong ASEAN".
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ băn khoăn về thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam và số quốc gia được nước ta đơn phương miễn thị thực vẫn chưa nhiều so với các nước trong khu vực.
“Đối với công dân nước ngoài được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì chúng ta cấp tạm trú 45 ngày, với trường hợp các nước khác thì cấp bao nhiêu ngày”, đại biểu đặt câu hỏi và cho biết, qua nghiên cứu chính sách thị thực của Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực, có thể thấy so với một số nước thì thời hạn cấp tạm trú của Việt Nam thấp hơn.
Ngoài ra, các nước lân cận chúng ta cũng áp dụng đơn phương miễn thị thực đối với nhiều quốc gia hơn so với Việt Nam. Qua tìm hiểu chính sách thị thực trong lĩnh vực du lịch, trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi đến đối với đa phần các thị trường nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống.
Trong khi đó, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia đã miễn thị thực trong 30-90 ngày đối với khách quốc tế từ các quốc gia là thị trường du lịch chính của họ. Hiện tại, thời gian áp dụng đơn phương miễn thị thực đối với khách du lịch quốc tế của Việt Nam cũng chỉ bằng 15-50% so với các quốc gia.
Ngoài ra, số lượng các quốc gia được Việt Nam miễn thị thực cũng chỉ bằng 5-15% so với các nước ASEAN. Cho rằng, việc sửa đổi thời gian tạm trú và miễn thị thực chưa tăng nhiều, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị cần tăng thời gian tạm trú đối với người nước ngoài cũng như tăng các nước được miễn thị thực.
Thiên Trường