567 cán bộ dôi dư sau sáp nhập
Tại cuộc Họp giao ban báo chí tháng Ba diễn ra vào chiều ngày 29/3, ông Trần Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Nam Định đã chia sẻ về kế hoạch triển khai Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023 – 2025.
Theo ông Dương, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh Nam Định dự kiến sáp nhập 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 77 đơn vị hành chính cấp xã.
Cụ thể, sáp nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, toàn bộ dân số của huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định. Sau khi mở rộng, thành phố Nam Định có 120,9 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số là 364.181 người.
Đối với 77 xã (thuộc 8 huyện và thành phố Nam Định, trừ huyện Trực Ninh không thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025), dự kiến sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới. Riêng có 1 trường hợp sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp xã là xã Mỹ Hưng vào thị trấn Mỹ Lộc để thành lập phường Hưng Lộc.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Nam Định dự kiến sẽ dôi dư 567 cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, cấp huyện có 24 người, cấp xã có 543 người. Vậy, tỉnh Nam Định xử lý, giải quyết số lượng cán bộ, công chức dôi dư như thế nào?
Ông Dương chia sẻ, đối với cán bộ, công chức cấp huyện sẽ điều chỉnh nội bộ giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố sau khi thực hiện sáp nhập.
Số công chức dôi dư còn lại tiếp tục điều động dần về các cơ quan cùng ngành của tỉnh theo số biến động giảm (do nghỉ hưu, nghỉ thôi việc, chuyển công tác,...) trong thời gian 5 năm.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã sẽ thực hiện trong nội bộ mỗi đơn vị huyện, thành phố. Cụ thể: Điều động sang các đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp trong nội bộ huyện; điều động dần thay thế số cán bộ, công chức cấp xã sẽ nghỉ hưu đến tháng 9/2029 (kết thúc 5 năm lộ trình sắp xếp) tại các đơn vị hành chính cấp xã không thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Ngoài ra, điều động về các đơn vị sự nghiệp công lập nếu đủ điều kiện và thực hiện tinh giản biên chế hoặc tiếp nhận vào làm công chức cấp huyện.
Chính sách hỗ trợ giải quyết dôi dư
Thông tin về chính sách hỗ trợ quyết quyết dôi dư, ông Trần Văn Dương bộc bạch, tỉnh Nam Định sẽ áp dụng chính sách Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính Phủ (quy định về tinh giản biên chế).
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 141/2023/NQ-HĐND ngày 9/12/2023. Theo Nghị quyết, cán bộ, công chức cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cứ mỗi tháng nghỉ thì được hỗ trợ ½ tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 30 tháng).
Đối với cán bộ, công chức cấp xã nghỉ sau 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, cứ mỗi tháng nghỉ trước thì được hỗ trợ ¼ tháng tiền lương hiện hưởng (mức hỗ trợ tối đa 12 tháng).
Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã có thời điểm nghỉ hưu trước thời điểm kết thúc lộ trình giải quyết cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì số tháng được hỗ trợ tính bằng số tháng nghỉ trước so với thời điểm nghỉ hưu nêu trên.
Đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành thì được hỗ trợ 3 tháng phụ cấp hiện hưởng (không tính phụ cấp kiêm nhiệm) và tiếp tục được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế (nếu đang thực hiện) theo quy định cho đến hết ngày 31/12 của năm mà người đó được giải quyết cho nghỉ công tác.
Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu, năm 2024 hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2025, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cấp xã nhiệm kỳ 2025 - 2030, trong đó có những đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025.
Văn Chiến