Từ ngày 1/5, dịch vụ Iparking do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (công ty khai thác Hà Nội) và Công ty CP Đầu tư CIS triển khai đi vào hoạt động thí điểm trên 2 tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe, đã phần nào giúp người dân rút ngắn được thời gian tìm chỗ gửi xe và tạo ra sự minh bạch trong trông giữ xe, tránh tình trạng “chặt chém”.
Chị Nguyễn Thi Trang (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, mỗi khi đi làm, tôi thường phải dậy từ rất sớm để chắc chắn có một chỗ đỗ tại điểm trông giữ xe. Nhưng từ khi có dịch vụ này, tôi không còn phải lo về việc gửi xe vì ứng dụng vừa nhanh, gọn, lại không sợ mập mờ trong thanh toán. Chưa kể, chi phí dịch vụ cho một lượt đỗ xe chỉ 15.000 đồng/giờ, rẻ hơn khá nhiều so với trước đây.
Có thể thấy, dịch vụ Iparking đã phần nào giải quyết được những bất cập trong việc trông giữ xe tại các điểm công cộng. Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ Iparking đang bị “đắp chiếu” vì sự bất đồng lợi nhuận giữa các bên liên quan.
Một địa điểm dựng cây thu phí Iparking (đường Lý Thường Kiệt) bị ngừng hoạt động nhiều tháng nay (Ảnh: Đức Nguyễn)
Theo anh L.M.T, nhân viên trông xe tại một điểm đỗ xe trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, lí do khiến việc thanh toán tiền gửi xe qua điện thoại không thực hiện được là sau thời gian thử nghiệm, nhà mạng đòi công ty khai thác Hà Nội phải chia 40% doanh thu/lần gửi xe thì mới cung ứng dịch vụ tiếp”.
Một nhân viên trông xe trên tuyến phố Trần Hưng Đạo chia sẻ: Việc thanh toán tiền qua dịch vụ Iparking được người dân phản hồi rất tốt. Khi dịch vụ này đột ngột tạm dừng triển khai, nhiều người đã thắc mắc và tôi cũng chỉ biết phản hồi là do phía công ty khai thác Hà Nội chưa thống nhất được với nhà mạng về mức phân bổ lợi nhuận.
Là người dân đã trải nghiệm dịch vụ Iparking trên tuyến phố Lý Thường Kiệt, anh N.M.D nhận xét: “Đây là chủ trương đúng của TP Hà Nội mang lại những tiện ích thiết thực: đỗ xe có tổ chức hơn, giờ giấc hơn; giá trông xe đúng quy định. Thậm chí, việc triển khai các bãi xe như mô hình này sẽ góp phần xây dựng hình ảnh và phát triển du lịch của Hà Nội”.
Theo anh N.M.Đ các nhà mạng đừng chỉ nhìn vào lợi nhuận bao nhiêu phần trăm được chia với Cty khai thác điểm đỗ, mà nên chia sẻ với thành phố để góp phần vào những mục tiêu chung lâu dài, mang tính bền vững.
Ngày 27/10, trao đổi với PV, đại diện nhà mạng Viettel telecom cho biết: “Qua xác minh, việc dừng triển khai dịch vụ Iparking tại Hà Nội là do nội tại công ty khai thác Hà Nội và bên cung cấp ứng dụng thanh toán Công ty CP Đầu tư CIS chưa thống nhất. Thực tế, Viettel là đơn vị tài trợ miễn phí cho công ty khai thác Hà Nội trong quá trình triển khai thí điểm dịch vụ và luôn có chính sách ưu đãi để ủng hộ chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của TP Hà Nội”.
Sau thời gian thực hiện thí điểm triển khai dịch vụ Iparking trên phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội đã triển khai dịch vụ Iparking rộng rãi trên 4 quận nội thành.
Tính từ ngày 1/5-15/6, Iparking đã có hơn 56.000 giao dịch được thực hiện, trong đó thanh toán qua giao dịch qua tin nhắn đạt hơn 52.000 lượt (tỷ lệ 93%), qua giao dịch bằng thẻ ngân hàng đạt gần 3.800 lượt (tỷ lệ 7%). 100% các giao dịch thanh toán không thực hiện bằng tiền mặt, điều này mang đến sự minh bạch và thuận tiện cho cơ quan quản lý Nhà nước cũng như người tiêu dùng, tránh tình trạng chặt chém mỗi khi gửi xe...
Mức giá trông giữ xe được công ty khai thác Hà Nội áp dụng theo Quyết định 58/2016/QĐ-UBND. Theo đó, phí trông giữ xe ô tô quy định 1 lượt không quá 120 phút, quá thời gian 120 phút thu thêm các lượt tiếp theo. Loại xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống, mức phí từ 20.000 đến 40.000 đồng tùy theo tuyến phố. Mức giá 15.000 đồng/xe/60 phút chỉ áp dụng trong quá trình thử nghiệm iParking, sau khi hết quá trình thử nghiệm, Công ty Khai thác điểm đỗ sẽ thu theo quy định của thành phố Hà Nội.
Hoan Nguyễn