Mới đây nhất là câu chuyện gây xôn xao dư luận tại Bình Phước, sau khi dự tiệc cưới tại nhà một hộ dân, có tới hàng trăm người bị ngộ độc thực phẩm. Nhiều người bị ngộ độc nhẹ đã tự mua thuốc uống, riêng 48 người bị nặng phải nhập viện cấp cứu.
Hình ảnh đám cưới tại nhà ông Nguyễn Văn Nhiên vào trưa ngày 8/7/2018 (Ảnh: T.Liên)
Dù vụ ngộ độc đã được Sở Y tế kết luận nguyên nhân gây ra là do vi sinh vật (vi khuẩn Salmonella ssp) có trong món gỏi ngó sen – một trong 6 món ăn trong thực đơn đám cưới. Chánh thanh tra Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Văn Thị Thu Thuỷ - chủ cơ sở nấu ăn Út Thuỷ, với số tiền là 20,5 triệu đồng. Đồng thời, bà Thuỷ phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm...
Tuy nhiên, câu chuyện không dừng lại ở chuyện xử phạt và bồi thường mà mới đây, đôi bên đã đưa nhau ra tòa vì những tranh chấp trong thỏa thuận bồi thường cho bị hại là những người đã bị ngộ độc khi đi ăn tiệc cưới, cùng với những khiếu nại về khuất tất của Đoàn xác minh thuộc Chi cục VSATTP tỉnh Bình Phước khi tiến hành xác minh vụ ngộ độc. Đó là có hay không hành vi bao che, làm sai lệch hồ sơ nhằm giảm trách nhiệm của dịch vụ nấu ăn của bà Thủy?
Theo lý lẽ của bà Nguyễn Thị Thoàn (tổ 11 ấp Thanh Thịnh, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước) có tới hàng trăm thực khách bị ngộ độc, những người bị nhẹ thì tự mua thuốc uống, còn người bị nặng phải vào các bệnh viện để cấp cứu, có tổng cộng 48 người chứ không phải 42 người như báo cáo. Bà Thoàn cho biết gia đình bà ký hợp đồng với dịch vụ tiệc cưới của bà Thủy, thực đơn tiệc cưới gồm các món: gỏi ngó sen, gà chiên nước mắm, bắp bò hấp, tôm hấp, lẩu Thái, sữa chua.
Cùng với đó là việc Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Phước cử 1 đoàn cán bộ đến nhà bà và lập biên bản với số 01 vào lúc 9h 30 phút ngày 9/7, có nội dung: “Đoàn làm việc gồm 7 người; sau khi nhận được thông tin từ khoa ATTP – Trung tâm Y tế thị xã Bình Long về việc xảy ra ngộ độc thực phẩm, đoàn xác minh thông tin đã có mặt tại gia đình...; đoàn xác minh ghi nhận: sau khi sử dụng thực phẩm trên, một số người có các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn, buồn nôn, chóng mặt và được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Trung tâm y tế...”.
Phiếu xét nghiêm mâu thức ăn và bệnh phẩm
Đến ngày 5/9, Chi cục ATVSTP cử tiếp 1 đoàn cán bộ đến nhà bà Thoàn, lập biên bản xác minh cũng với số biên bản 01 nhưng được ghi lùi về ngày 9/7! Biên bản lần này có nội dung: “Đoàn làm việc gồm 4 người; Theo thông tin chủ nhà cung cấp...; tại nhà chủ nhà có ghi nhận được 1 số ca có dấu hiệu bị ngộ độc...”. Đặc biệt trong biên bản làm việc lần 2, các cán bộ đã… ghi thêm nội dung: “Tại cơ sở được đặt tiệc có 3 mẫu thực phẩm do gia chủ cung cấp: xôi gấc (100g), gỏi (tai heo + hải sản + ngó sen), rau ăn lẩu”.
Chi cục ATVSTP tỉnh Bình Phước lập 2 đoàn ghi biên bản xác minh có cùng thời gian là ngày 9/7 nhưng nội dung không đồng nhất
Câu chuyện vẫn chưa có hồi kết vẫn chờ kết luận thanh tra của Sở y tế tỉnh Bình Phước, cùng như những kết luận tại tòa án. Nhưng trên thực tế những hộ kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động không chỉ nở rộ tại Bình phước mà rất nhiều tỉnh thành khác trên cả nước , người dân cũng ưu ái sử dụng dịch vụ này vì những tiện ích mà nó mang lại. Nhưng bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Trước đó, tại Tổ dân phố 5 và 6, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ có 24 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn tiệc cưới tại gia đình bà Lê Thị Lợi, Tổ dân phố 6, phường Đoàn Kết. Được biết, gia đình bà Lợi thuê dịch vụ nấu ăn lưu động Gia Chánh Thành Tâm, thôn 9, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đãi tiệc với quy mô 700 người.
Qua kiểm tra đột xuất tại cơ sở dịch vụ nấu ăn lưu động Gia Chánh Thành Tâm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đắk Lắk phát hiện khu nhà bếp của cơ sở không đảm bảo yêu cầu; nguồn nước để nấu ăn không được kiểm nghiệm; cơ sở thực hiện lưu mẫu thực phẩm sai quy định; trong mẫu dê tái chanh lưu tại cơ sở có nhiễm khuẩn E.coli.
Nấu cỗ lưu động là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ nhiều người cùng một lúc nên nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể cao (Hình minh họa)
Thông qua các đợt kiểm tra của Cục An toàn thực phẩm cho thấy, đặc thù của dịch vụ nấu cỗ lưu động là không có địa điểm cố định. Các cơ sở này thường sơ chế nguyên liệu trước khi vận chuyển đến nơi tổ chức đám tiệc. Trong quá trình vận chuyển thực phẩm rất dễ bị nhiễm bẩn do thực phẩm sống chín để lẫn lộn, dụng cụ bảo quản không đảm bảo vệ sinh và không được che đậy kín, nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, nấu cỗ lưu động là loại hình bếp ăn tập thể, phục vụ nhiều người cùng một lúc nên nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm tập thể cao. Đây cũng là loại hình chủ yếu được thành lập theo mùa vụ khi nhu cầu của người dân gia tăng nên các cơ quan chức năng khó quản lý. Hầu hết người trực tiếp chế biến, phục vụ đều là hợp đồng thời vụ nên không được khám sức khỏe và tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vậy làm thế nào để hạn chế tình trạng này? Rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành địa phương và cộng đồng để triển khai, giám sát thường xuyên nhằm kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, đảm bảo ATVSTP.
Hải Đăng