Dịch vụ “Saver Asia” giúp lao động ngoài nước chuyển tiền thuận tiện - Hình 1

Giao diện của trang saverasia.com

Saver Asia giúp người lao động làm việc ở nước ngoài gửi tiền về trong nước một cách thuận tiện hơn và với chi phí phù hợp hơn. Trang thông tin này được Viện Phát triển Thị trường (DMA) phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) xây dựng thông qua Chương trình Tam giác khu vực ASEAN. Chương trình được sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao - Thương mại Australia và Cơ quan các Vấn đề toàn cầu của Canada. 

Chi phí trung bình cho việc chuyển tiền trong khu vực thường dao động từ 3% đến 20%, tùy thuộc vào từng đơn vị cung cấp dịch vụ này. Các thách thức khác bao gồm khó khăn trong việc tiếp cận văn phòng đại diện của ngân hàng và việc người lao động không biết nhiều về các dịch vụ tài chính hiện có. Do vậy, nhiều người lao động làm việc ở nước ngoài chỉ tìm đến một số nhỏ bạn bè của mình để hỏi các thông tin về tài chính, sử dụng các kênh không chính thống và thường chịu cảnh hàng tháng phải xếp hàng rất lâu để gửi được tiền mặt về nhà.

Saver Asia là một phần trong chiến lược toàn cầu của ILO nhằm giải quyết các vấn đề khó khăn nêu trên. Bà Marja Paavilanen, cán bộ chương trình cao cấp của Chương trình Tam giác khu vực ASEAN cho biết “Saver Asia giúp người lao động làm việc ở nước ngoài tiết kiệm được thời gian, tiết kiệm được tiền bạc và tiết kiệm dành cho tương lai của họ”. 

Saver Asia thực hiện được điều này thông qua ba hình thức. Trước tiên, Saver Asia giúp người sử dụng dịch vụ so sánh được các mức phí và dịch vụ chuyển tiền về trong nước thông qua các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển tiền, gồm có dịch vụ trực tuyến, ví tiền điện tử, dịch vụ cung cấp tại chi nhánh và ngân hàng.

Thông tin do Saver Asia cung cấp bao gồm tỷ giá trực tuyến và so sánh tổng chi phí (số liệu này được thu thập và cập nhật theo định kỳ). Trang thông tin này cũng tạo điều kiện để người sử dụng so sánh được về giá thành và dịch vụ trong từng hành lang chuyển tiền chính trong khu vực ASEAN gồm: Từ Singapore tới Myanmar, Indonesia hoặc Phi-lip-pin; Từ Malaysia tới Cam-pu-chia, Myanmar hoặc Việt Nam; và từ Thái Lan tới Myanmar, Campuchia, hoặc Lào.

 Thứ hai, Saver Asia cung cấp thông tin về các dịch vụ tài chính, như là tài khoản ngân hàng, ví tiền điện tử, tín dụng vi mô, bảo hiểm, các khóa học về kỹ năng sử dụng tài chính và bảng tính ngân sách. Công cụ này sẽ giúp người sử dụng tiết kiệm dành cho tương lai của họ và cải thiện điều kiện và tình hình tài chính của họ. 

Thứ ba, Saver Asia giúp người sử dụng kết nối được với các tổ chức hỗ trợ tại địa phương.

Hoạt động di cư đóng vai trò quan trọng trong khu vực ASEAN năng động, một khu vực với quy mô dân số 635 triệu người và nền kinh tế đang tăng trưởng. Khoảng 7 triệu người dân trong khu vực ASEAN đã di cư trong nội bộ khu vực. Số lượng người di cư này đã tăng gấp hơn 5 lần kể từ năm 1990. 

Người lao động di cư đã đóng góp cho cộng đồng nơi họ làm việc cũng như cải thiện tình hình kinh tế của bản thân và gia đình họ thông qua việc gửi tiền, còn được gọi là kiều hối, về nhà. Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực nhận được khoản kiều hối nhiều nhất. Người lao động từ khu vực này làm việc ở nước ngoài đã chuyển về số tiền là 256 tỷ Đô la trong năm 2017. Con số này gấp hơn 10 lần khoản viện trợ phát triển mà các nước trong khu vực này nhận được. 

Để tối ưu hóa tác động phát triển của khoản kiều hối này, người lao động làm việc ở nước ngoài cần tiếp cận được với các kênh chuyển tiền và dịch vụ ngân hàng một cách thuận tiện với chi phí phù hợp. Tuy nhiên, các hình thức chuyền tiền quốc tế lại có thể mất thời gian chờ đợi và chi phí cao kèm theo các rủi ro đáng kể liên quan. Saver Asia là một minh chứng cho cách công nghệ kỹ thuật số có thể giúp người lao động làm việc ở nước ngoài tiếp cận các dịch vụ tài chính.

 T.Bình