Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Điểm sáng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc đang trong những ngày chống dịch Covid-19 cam go và quyết liệt nhất. Trong trận "tái đấu" lần này, Vĩnh Phúc giữ thế chủ động với tinh thần quyết tâm cao và triển khai thế trận bài bản hơn.

F0 trong vòng vây

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khi số ca mắc Covid-19 tăng cao, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành chủ trì buổi họp báo chiều 9/5, giải đáp các vấn đề liên quan đến công tác chống dịch trong thời gian gần đây.

Tính đến nay Vĩnh Phúc có 33 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Với năng lực tự xét nghiệm, địa phương này đã công bố thêm 38 ca nghi nhiễm và áp dụng quy trình xử lý F0 với tất cả 71 ca.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đến những điểm nóng nhất trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sau một tuần ngăn chặn dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng, có nhiều dấu hiệu để yên tâm về khả năng chiến thắng Covid-19. Có thể nói, trong cuộc chiến đầu tiên chống Covid-19 thời điểm đầu năm 2020, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống dịch, được cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thành công này cũng là kinh nghiệm quý báu để đối phó với những tình huống tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Và thực tế, tình huống ấy đã xảy ra...

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh nhiều hôm làm việc xuyên đêm
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 tại Cơ sở cách ly y tế Trường quân sự tỉnh.

Ở đợt bùng phát dịch bệnh lần này, Covid-19 đã trở lại và lợi hại hơn xưa với biến thể mới cực kỳ nguy hiểm bởi tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong cao hơn rất nhiều. Trước tình hình này, Vĩnh Phúc đã chủ động, quyết tâm, triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để đẩy lùi dịch bệnh.

Khi dịch bắt đầu xuất hiện ở thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên và lan nhanh ra một số địa phương trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra chỉ đạo hằng ngày, thậm chí hằng giờ cho các đơn vị, địa phương thực hiện, yêu cầu phải tranh thủ từng chút thời gian để xử lý công việc với quan điểm truy vết, cách ly, khoanh vùng càng sớm càng hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Liên tục từ ngày 30/4/2021 đến nay, các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên trực tiếp có mặt ở mọi điểm nóng trên tuyến đầu chống dịch của tỉnh. Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh nhiều hôm làm việc xuyên đêm, không có ngày nghỉ, để trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh. Nhiều cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo tỉnh kết thúc sau 24h.

Chủ tịch Lê Duy Thành phát biểu tại cuộc họp
Chủ tịch Lê Duy Thành phát biểu tại cuộc họp.

"Đến nay tỉnh đã chuẩn bị xong 19 khu cách ly và hơn 6.000 giường, kích hoạt bệnh viện dã chiến tỉnh để thu dung các ca F0. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng kịch bản đối phó với đủ các cấp độ dịch bệnh, kịch bản điều hành ngân sách và kịch bản kinh tế - xã hội...", lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc mở đầu cuộc họp.

Ông Thành cho biết so với làn sóng dịch bệnh trước, lần này tốc độ lan rất mạnh, rất nhanh, rất khủng khiếp. Chỉ trong vòng vài ngày, dịch đã lan đến 8 đơn vị hành chính trong toàn tỉnh.

Trước thông tin biến chủng Covid-19 của Ấn Độ đã xuất hiện tại Vĩnh Phúc, tỉnh này càng phải thần tốc trong việc truy vết và xét nghiệm. Lực lượng chống dịch buộc phải phong tỏa được nơi sinh sống của F0 chậm nhất là 2 giờ sau khi phát hiện ca bệnh. Chậm nhất 10 giờ sau khi xác định F1 phải có kết quả xét nghiệm của người đó.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng công suất cách ly tập trung từ 1.400 giường lên 6.000 giường, tăng tốc độ xét nghiệm từ 1.000 mẫu/ngày lên 5.000 mẫu/ngày. Cơ sở vật chất ngành y cũng được huy động bổ sung.

"Huyện Bình Xuyên từng mất cả ngày không thuê nổi một chiếc xe chở F1. Tỉnh đã phải trưng dụng 9 xe khách. Hôm nay tỉnh đồng ý chủ trương mua thêm 7 xe cứu thương", ông Thành chia sẻ.

Từ "truy đuổi" sang "bao vây, đánh chặn"

Theo lãnh đạo tỉnh, đợt dịch năm 2020, Vĩnh Phúc đã áp dụng chiến lược "điều tra, truy vết, đuổi theo dịch bệnh". Còn trong đợt dịch lần này, chiến lược đã thay đổi thành "bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn".

Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, so với việc chống dịch năm ngoái, năm nay tỉnh áp dụng chiến lược chống dịch kiểu mới, chủ động hơn.

"Năm 2020, Vĩnh Phúc áp dụng chiến lược điều tra, truy vết, truy đuổi tận nơi và đã thành công. Tuy nhiên, với chủng virus mới có tốc độ lây lan và uy hiếp tính mạng cấp độ lớn hơn thì chiến lược trên không thể đáp ứng.Thay vào đó, chúng tôi quyết tâm bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn", ông Thành nói. 

Cụ thể hóa chiến lược trên, Vĩnh Phúc thay đổi cách làm hoàn toàn khác khi mở rộng diện xét nghiệm, coi các đối tượng F1 như F0 và coi F2 như F1 để có các biện pháp cụ thể. Vì với chủng mới lần này, nếu theo cách làm cũ thì khi xét nghiệm được các trường hợp F1 thì các F2 đã tăng lên và nguy cơ trở thành F1, F0. 

Theo ông Thành, việc lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đang được tỉnh ưu tiên triển khai và triển khai thần tốc để nắm thế chủ động khi chống dịch. Vĩnh Phúc thống nhất phương án tổ chức xét nghiệm với ba đối tượng, đầu tiên là các trường hợp F1, hai là nhóm đối tượng F2 tiếp xúc gần và có nguy cơ. Nhóm thứ ba, tất cả các khu dân cư có đối tượng F0 cũng xét nghiệm để đảm bảo sức khỏe người dân.

"Chúng tôi coi việc mở rộng đối tượng xét nghiệm là phương án đánh chặn Covid-19 từ xa để nắm thế chủ động, mặc dù để làm được điều này, các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là Sở Y tế phải xử lý khối lượng công việc rất nặng nề, áp lực. Nhưng vì sự an toàn của người dân, những biện pháp cấp bách chống dịch đã và đang được triển khai khẩn trương, thần tốc", lời ông Thành.

Song song với việc kích hoạt các biện pháp chống dịch ở mức độ cao nhất, người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, mặc dù có nhiều ca mắc mới gần đây tuy nhiên các ca được công bố đã được tỉnh khoanh vùng xét nghiệm trước đó nên không bị động khi xử lý. 

"Theo chỉ đạo chung, các ca bệnh mắc Covid-19 sẽ được Bộ Y tế công bố, tuy nhiên công tác xét nghiệm sàng lọc cho kết quả chúng tôi một mặt thông tin rộng rãi, mặt khác áp dụng các biện pháp chống dịch như ứng xử với ca đã dương tính với dịch bệnh. Do vậy, trường hợp kết quả từ Bộ Y tế công bố dương tính thì ở địa phương chúng tôi đã kích hoạt chống dịch từ trước", ông Thành nêu cách làm của Vĩnh Phúc.

Người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận: "Mặc dù số ca tăng nhanh nhưng chúng tôi khá yên tâm. Yên tâm ở đây không phải là chủ quan mà ở chỗ, các ca phát hiện đã nằm trong diện đánh chặn trước đó. Điều chúng tôi lo nhất là có ca F0 đang đi lại trong cộng đồng chưa được phát hiện sẽ gây hậu quả khó lường". 

Giải bài toán bệnh viện

Trong 7 ngày đối đầu với dịch bệnh, tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp nhận tin xấu từ các bệnh viện hàng đầu của tỉnh. Cụ thể, 0h ngày 3/5, Bệnh viện đa khoa khu vực Phúc Yên bị phong tỏa sau khi phát hiện 14 nhân viên y tế từng đến quán bar Sunny, trong đó có một người đã dương tính với SARS-CoV-2. Chiều 6/5, đến lượt Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc phải phong tỏa 4 khoa vì để một bệnh nhi mắc Covid-19 lọt vào viện. Như vậy, hai bệnh viện được xem là "2 quả đấm thép trong ngành y tế tỉnh" đã bị Covid-19 xâm nhập.

Do đó, Chủ tịch Lê Duy Thành phải chỉ đạo tất cả các bệnh viện trên địa bàn tỉnh mở rộng công suất tối đa để gánh lượng bệnh nhân cho các bệnh viện bị phong tỏa.

Tuy nhiên, đến ngày 8/5, thêm Bệnh viện Y dược cổ truyền Vĩnh Phúc cũng phải phong tỏa sau khi phát hiện một F0 từng đến bệnh viện, khiến nhiều y bác sĩ và bệnh nhân trở thành F1, F2.

Ngoài 3 bệnh viện của tỉnh bị phong tỏa, theo ông Thành, việc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại Kim Chung (Đông Anh) trở thành ổ dịch vào ngày 5/5 cũng là tin xấu với Vĩnh Phúc, bởi trước đó hầu hết ca F0 của tỉnh đều được đưa đến bệnh viện này.

Theo đó, với diễn biến dịch bệnh, Vĩnh Phúc đã làm các kịch bản với các trường hợp từ 0-100 ca, 100-300ca và trên 300 đều có kịch bản về nhân lực, vật lực, kinh phí cụ thể. Kịch bản trên đã được hình thành nghị quyết và Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên có kịch bản này. 

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ quan T.Ư, ngay sau khi có ca nhiễm thì các chuyên gia của Bộ y tế, bệnh viện dã chiến đang chuyển giao công nghệ tại bệnh viện dã chiến. 

Bên cạnh đó, trước thực tế Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang bị phong tỏa, tỉnh Vĩnh Phúc đã khẩn trương và chủ động tăng cường cho các bệnh viện dã chiến. Từ 1/5 đến nay, Vĩnh Phúc tăng cơ sở cách ly  và số giường bệnh từ 1.400 giường lên 6.000 giường (số liệu đến ngày 9/5). 

"Chúng tôi không bất ngờ với kịch bản trên mà đã có các bệnh viện dã chiến phục vụ tại chỗ. Tỉnh Vĩnh Phúc kích hoạt Bệnh viện dã chiến của tỉnh vào hoạt động ngày 7/5. Đến nay, đã có 50 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dã chiến", ông Thành nói.  

“Cá thể hóa trách nhiệm”

Với chỉ đạo xuyên suốt từ Thủ tướng Phạm Minh Chính khi cá thể hóa trách nhiệm khi thực hiện chống dịch, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết chỉ đạo trên được tỉnh áp dụng như một "chiến thuật" trong chống giặc Covid-19. 

 "Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Coi như là địa phương có cuộc chiến, không còn phân biệt đơn vị, tất cả đều phải chịu trách nhiệm. Lãnh đạo chỉ ngồi ở nhà, hoặc xuống địa phương chỉ đạo tăng cường lên nhé, quyết tâm lên nhé, xong về là không được!”, Chủ tịch tỉnh chia sẻ.

Cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế đang nỗ lực thực hiện nhiệm kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19

Bên cạnh việc huy động tối đa nhân lực cho công tác chống dịch, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn ra quyết định đình chỉ nhiều cán bộ cấp cao do lơ là trong công việc.

“Chiến thuật của tỉnh là quy trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm. Đã phân công thì phải làm. Không cho phép chậm trễ, không cho phép sai sót. Việc đình chỉ, cách chức không phải là mục tiêu, nhưng trong thời điểm này phải làm để làm gương.

Cực chẳng đã, trong điều kiện nhà có việc thì phải thực hiện tính nghiêm túc trong mệnh lệnh, ai không chấp hành đều bị xử lý, bước một là đình chỉ", ông Thành khẳng định.

Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ công tác 7 cán bộ, trong đó Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Lập là cán bộ cấp cao nhất của Vĩnh Phúc bị đình chỉ vì mắc khuyết điểm trong phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ông Lập, 6 cán bộ khác đã bị đình chỉ là một chủ tịch huyện, một chủ tịch phường, 2 trưởng công an phường, 2 cán bộ cơ sở. Nguyên nhân là lơ là trách nhiệm trong việc phòng chống dịch Covid-19.

Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết người thay thế vai trò lãnh đạo Sở Y tế của ông Lập là ông Vũ Việt Văn, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Người thay thế Chủ tịch UBND huyện Bình xuyên là Bí thư Huyện ủy.

"Người thay thế đương nhiên phải đáp ứng được nhiệm vụ, thời gian sẽ trả lời", Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.

Liên quan đến các clip phát tán trên mạng xã hội về quán bar, karaoke (TP Phúc Yên), ông Thành cho biết, Công an tỉnh bước đầu xác minh cho thấy đa phần các clip không phải tại quán bar Sunny.

"Vĩnh Phúc sẽ khách quan, công minh đối với những vi phạm. Đặc biệt là vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng. Tỉnh đã giao Thành ủy, UBND Phúc Yên xem xét trách nhiệm cán bộ quản lý. Hiện nay đã có 4 cán bộ bị đình chỉ", ông Thành nói.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan động viên cán bộ, nhân viên y tế
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan động viên cán bộ, nhân viên y tế.

Niềm tin tất thắng

Để đẩy nhanh tốc độ, hiệu quả chống dịch, quan điểm nhất quán của tỉnh trong giai đoạn hiện nay là phải chủ động tấn công, ngăn chặn dịch bằng mọi biện pháp quyết liệt nhất.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 phải được đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên phải nêu gương đi đầu trong công việc, phải giữ được bình tĩnh, sáng suốt khi ra quyết định, phải xông xáo, bám sát thực tế để chỉ đạo kịp thời và vận động quần chúng nhân dân tham gia.

Toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các lực lượng vũ trang tỉnh phải tiếp tục đoàn kết, thống nhất trong ý chí và hành động; phát huy trách nhiệm thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và của các cấp chính quyền địa phương.

Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao độ, nắm chắc tình hình, kịp thời chủ động xử lý các tình huống phát sinh; đề ra các biện pháp hữu hiệu để tiếp tục kiểm soát và ngăn chặn, khống chế thành công dịch bệnh...

Dù cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng với chủ trương đúng đắn, tinh thần chủ động, quyết liệt, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, Vĩnh Phúc nhất định sẽ sớm giành thắng lợi.

Niềm tin này càng được củng cố, khẳng định như trong Lời kêu gọi phòng chống dịch Covid-19 của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan đã nhấn mạnh: "Nhân dân trong tỉnh hãy bình tĩnh, yên tâm, chấp hành và tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của các cấp ủy, chính quyền địa phương; tiếp tục tích cực tham gia, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch do cơ quan chức năng và tỉnh đề ra. Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch; là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng nghiêm túc thực hiện các biện pháp tự bảo vệ mình, bảo vệ gia đình, bảo vệ cộng đồng, cơ quan, làng, xóm, địa phương.

Với kinh nghiệm, thành quả đã đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các địa phương; sự tin tưởng, quyết tâm, chung sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc kiên quyết đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh Covid-19 đem lại sự an toàn và bình yên cho Nhân dân".

Hoan Nguyễn

Bài liên quan

Tin mới

Bình Định tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư - 2024
Bình Định tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư - 2024

Chiều 29/03, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, 01 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư – 2024. Hội nghị nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tìm hiểu về cơ chế, chính sách ưu đãi và môi trường đầu tư của Bình Định…  

Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba
Nam Định tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng Ba

Chiều 29/3, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định và Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định chủ trì tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 3/2024.

Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024
Nam Định: Phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024

Chiều ngày 29/3, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định tổ chức Lễ phát động tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2024 nhân kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2024).

Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"
Gửi tiền MSB - nhiều khách hàng điêu đứng vì "mất trắng"

Thời gian qua, nhiều khách hàng của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) phản ánh việc tài khoản tiết kiệm của họ bỗng dưng "mất tiền". Gần nhất là vụ 8 khách hàng gửi tiền bị chiếm đoạt hơn 300 tỷ đồng.

Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX
Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX

Sáng 29/3, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh khóa XX tổ chức Hội nghị lần thứ 20. Các đồng chí: Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Năm 2023, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 14,4%

Ngày 29/3/2024, Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh năm 2023 (kiểm toán), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên đều ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.