Ba vị trí xuất khẩu dẫn đầu vẫn không thay đổi, đó là TP. Hồ Chí Minh thứ nhất; thứ hai là Bắc Ninh và thứ ba là Bình Dương. Kim ngạch lần lượt của 03 địa phương dẫn đầu là: 32,8 tỷ USD; 30,1 tỷ USD và 24,1 tỷ USD.
Ba vị trí tiếp theo là Thái Nguyên, Đồng Nai và Hải Phòng với kim ngạch lần lượt là: 22,2 tỷ USD; 17,2 tỷ USD và 15,8 tỷ USD. Đáng nói là cả 8 địa phương xuất khẩu chủ lực đều có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Bổ sung vào danh sách 02 vị trí 7, 8 là Bắc Giang và Hà Nội. Bắc Giang đứng thứ 7 với xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng mạnh tới 60,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương kim ngạch tăng thêm 5,26 tỷ USD.
Hà Nội ở vị trí thứ 8 với 11,36 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, tương kim ngạch tăng thêm 1,65 tỷ USD.
Với 167,56 tỷ USD, riêng 08 địa phương nêu trên chiếm 66,33% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 08 tháng đầu năm.
Về hoạt động xuất khẩu chung của cả nước, 08 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt gần 252,6 tỷ USD, tăng 18,2%, tương ứng tăng 38,85 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu ghi nhận gần 5,5 tỷ USD.
Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt gần 185,44 tỷ USD, tăng 18,2% (tương ứng tăng 28,55 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cùng với thu hút FDI, thị trường tiêu dùng nội địa, xuất khẩu là 1 trong 3 trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế có mức tăng trưởng khá, kể cả trong thời điểm dịch bệnh tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 336 tỷ USD, tăng 19% so với 2020. Trong đó, hai vị trí dẫn đầu xếp hạng các địa phương xuất khẩu nhiều nhất không thay đổi trong 06 năm qua, khi quán quân vẫn là TP. HCM với 44,9 tỷ USD, kế tiếp là Bắc Ninh với 44,8 tỷ USD và Bình Dương đã vượt Thái Nguyên để vươn lên vị trí thứ ba, với kim ngạch xuất khẩu 32,7 tỷ USD.
Lê Xuân (t/h)