Theo giới thiệu của WTO.com.vn là trang thông tin của Tổng Công ty cổ phẩn Thương mại Xây dựng - Vietracimex thì Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng tiền thân là Nhà máy Vật liệu Hà Nội được thành lập từ năm 1961 thuộc Cục Cung cấp Vật tư, Bộ Giao thông Vận tải.
WTO giới thiệu tiếp: Trải qua gần 60 năm hoạt động, Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex đã có những bước phát triển vượt bậc, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đa ngành hàng đầu tại Việt Nam, hoạt động trong các lĩnh vực Bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và các ngành Dịch vụ khác.
Cũng theo WTO thì đến nay, Tổng Công ty đã có hơn 1.500 cán bộ, công nhân viên tại trụ sở chính ở Hà Nội và các công trường ở Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, TP. HCM…
WTO giới thiệu về Tầm nhìn - Sứ mệnh; Lịch sử hình thành và phát triển; Các dự án đã triển khai, đang triển khai; Những thành tựu nhưng tuyệt nhiên không hề thấy WTO đưa ra những khó khăn, những bật cập, những vi phạm, những nợ nần, những việc bị khiếu kiện...để rút kinh nghiệp, để lấy đó làm bài học tốt hơn.
Khoản nợ khó thu
Tại Báo cáo số 20/BC-HĐND về Kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm đất đai trên địa bàn thành phố, HĐND TP. Hà Nội đã nhắc tên Vietracimex; đồng thời chỉ rõ sai phạm của đơn vị này trong việc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất, nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất tại dự án Hinode City, 201 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng.
Theo đó, dự án Đầu tư xây dựng Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ, tên thương mại Hinode City; 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội Vietracimex làm chủ đầu tư là một trong số 38 dự án nợ Ngân sách Nhà nước, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất; và thuộc Danh mục các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đến hết ngày 30/05/2021.
Dự án này hiện đang có tổng nợ ngân sách Nhà nước số tiền 143,384 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền chậm nộp còn phải thu tính đến thời điểm cuối tháng 05/2021. Đáng chú ý, khi phân tích khoản tiền chậm nộp tại dự án Hinode City Minh Khai của Vietracimex, HĐND TP. Hà Nội cũng đã nêu rõ rằng đây là khoản tiền nợ khó thu.
Quá trình đôn đốc thu hồi nợ, Cục thuế TP. Hà Nội đã tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng, và mời đôn đốc nợ nhiều lần. Sau khi báo cáo số 20 được ban hành, HĐND TP. Hà Nội đã đôn đốc phía UBND thành phố kiểm tra, xử lý đồng thời có những biện pháp để tháo gỡ các khó khăn (nếu có) để sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề sai phạm đã được nêu ra.
Qua tìm hiểu cho thấy, dự án Hinode City Minh Khai có diện tích sử dụng đất vào khoảng hơn 2,8ha; tổng mức đầu tư hơn 4.825 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án điều chỉnh từ quý I/2017 đến quý I/2021. Nguồn gốc đất trước khi chuyển đổi mục đích do Vietracimex thuê lại để làm trụ sở làm việc và nhà xưởng.
Năm 2011, UBND TP. Hà Nội đã cho phép Vietracimex chuyển mục đích sử dụng đất tại khu đất này để thực hiện dự án. Đến ngày 17/09/2012, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 4095/QĐ-UBND phê duyệt tiền sử dụng đất dự án là gần 475 tỷ đồng; nhưng phải đến ngày 28/02/2017, Vietracimex mới nộp đủ số tiền này vào ngân sách Nhà nước.
Hiện, dự án Hinode City đang trong quá trình hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng. Nhưng từ khi được triển khai xây dựng cho tới nay, dự án này vốn đã “nổi đình nổi đám” vì tồn tại hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, để lại rất nhiều tai tiếng cho đơn vị chủ đầu tư là Vietracimex.
Ngày 25/05/2017, UBND TP. Hà Nội có Văn bản số 2559/UBND-SXD về việc chấp thuận điều chỉnh đầu tư dự án. Theo quyết định điều chỉnh này, tổng số căn hộ tại dự án theo phê duyệt ban đầu là 810 căn, sau đó được điều chỉnh thành 1.099 căn, tăng 289 căn. Quy mô dân số ban đầu khoảng 3.842 người, tăng lên thêm 159 người thành 4.001 người.
Ngày 18/09/2019, UBND quận Hai Bà Trưng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với Vietracimex về hành vi vi phạm “Tổ chức thi công xây dựng sai giấy phép xây dựng (GPXD) được cấp”. UBND quận yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh GPXD; nếu hết thời hạn 60 ngày sẽ áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà các sai phạm này sau đó không hề bị cưỡng chế tháo dỡ, còn các hoạt động thi công xây dựng tại dự án thì được thực hiện rầm rộ hơn khi chưa bị kiểm tra, xử phạt.
Ngày 28/04/2020, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội đã có văn bản chấp thuận nguyên tắc việc điều chỉnh về bố trí cơ cấu mặt bằng công năng một số tầng tại các hạng mục công trình công trình thuộc dự án Hinode City. Đồng thời, Sở cũng yêu cầu Vietracimex liên hệ với Sở Xây dựng kiểm tra hồ sơ, thẩm định an toàn kết cấu công trình và hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung GPXD đã được cấp theo quy định; liên hệ với Cục Cảnh sát PCCC để được hướng dẫn thẩm định phương án PCCC; chỉ được xây dựng khi được cấp GPXD bổ sung và hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, “bỏ ngoài tai” chỉ đạo của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Hà Nội, Vietracimex vẫn thực hiện thi công hoàn thiện khối toà nhà hỗn hợp của dự án Hinode City nằm tại mặt đường Minh Khai. Và trong khi các sai phạm vẫn chưa được khắc phục và xử lý dứt điểm thì Vietracimex đã gấp rút ‘’lùa” cư dân vào ở tại 2 khối chung cư với khoảng 400 căn hộ bên trong dự án; tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn PCCC và an ninh trật tự.
Dự án Hinode City của Vietracimex cũng từng được Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ ra một số sai phạm; trong đó nêu rõ: Tại thời điểm thanh tra, đơn vị chủ đầu tư dự án còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất hơn 143 tỷ đồng; việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của dự án cũng không đúng quy định. TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, xem xét, xử lý hoặc đề xuất xử lý đối với số tiền chậm nộp tiền sử dụng đất của Vietracimex tại dự án Hinode City.
Những "vết đen" đầy tai tiếng
Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex là một tập đoàn kinh tế đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản; Sản xuất công nghiệp; Năng lượng và các ngành Dịch vụ khác. Được biết, người đại diện theo pháp luật của Vietracimex là ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tổng công ty.
Victracimex vốn là một Tổng Công ty Thương mại của Bộ Giao thông Vận tải, đã được cổ phần hóa theo Quyết định số 217/2004/QĐ-TTg ngày 31/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 11/2005, Bộ Giao thông Vận tải đã cử ông Võ Nhật Thăng làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng Công ty. Với việc nắm trong tay quyền biểu quyết hơn 74%, lẽ dĩ nhiên, ông Thăng được Đại hội cổ đông lần đầu (02/12/2005) được bầu làm thành viên HĐQT, sau đó được giao giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Đây có thể coi là điểm khởi đầu cho quá trình cổ phần hóa Vietracimex. Sau 12 năm cổ phần hóa, Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex hiện có nhiều dự án, nhiều khu đất ở Hà Nội, TP. HCM, Phú Quốc, và những dự án thủy điện, dự án giấy… quy mô nghìn tỷ. Vietracimex có 15 công ty thành viên, hoạt động ở 04 mảng: BĐS, năng lượng, sản xuất công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa của đơn vị này đã diễn ra nhiều sai phạm nghiêm trọng.
Theo Kết luận thanh tra số 111/TB-TTCP ngày 20/01/2016 của Thanh tra Chính phủ, cho thấy có nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa phần góp của Nhà nước tại Doanh nghiệp. Cụ thể là việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và quy định của pháp luật trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường (ngày 03/06/2006).
Được biết, phải mất đúng 02 năm, Thanh tra Chính phủ mới có thể ra được kết luận cuối cùng của vụ việc này. Đến 11/04/2017 tức sau 15 tháng kể từ khi Kết luận thanh tra số 3792/KL - TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong việc cổ phần hóa Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng – Vietracimex được công bố ngày 18/12/2015 vẫn chưa được các cơ quan liên quan xử lý dứt điểm.
Không chỉ dừng lại ở sai phạm trong quá trình cổ phần hoá, bị khách hàng “tố” khuất tất trong huy động vốn hợp tác đầu tư tại dự án Kim Chung - Di Trạch (dự án Hinode Royal Park), “chây ì” khoản nợ chậm nộp tiền sử dụng đất và xây dựng sai phép tại dự án Hinode City, Vietracimex còn vướng vào không ít “lùm xùm” liên quan đến sai phạm tại các dự án năng lượng.
Tại dự án Nhà máy thủy điện Tả Thàng, tỉnh Lào Cai, Vietracimex đã vướng nhiều sai phạm nghiêm trọng khi chưa thực hiện việc thuê đất, thậm chí không có GCNQSDĐ đã tiến hành triển khai xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động; bị người dân khiếu nại triền miên vì khuất tất trong đền bù GPMB; nợ 46,9 tỷ đồng tiền thuế, phí.
Nội dung trong bài viết này, có nhiều tư liệu của đồng nghiệp, nhiều tư liệu chúng tôi lấy từ chính WTO. Vì thế, sẽ có những thông tin đã được các báo, tạp chí đăng tải. Đây được coi là thông tin đề dẫn về một thương hiệu mà sản phẩm của họ đang "có vấn đề", có một số sản phẩm thì bị người tiêu dùng khiếu kiện vì chưa bảo đảm chất lượng đã bán. Vì vậy, Thương hiệu & Công luận sẽ chuyển đến bạn đọc những thông tin chi tiết về các vi phạm của Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng - Vietracimex ở dự án cụ thể và những vi phạm đó đều có dấu ấn chủ quan chứ không phải khách quan.