Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Pháp, Nga và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.

Mỹ tiếp tục là nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất với 29.585.601 ca và số ca tử vong cao nhất với 535.324 ca. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với 11.190.651 ca nhưng nếu tính về số ca tử vong thì Brazil đứng thứ hai với 261.188 ca.

Tại Mỹ, lần đầu tiên trong 5 tháng qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày có xu thế giảm. Trước đó, Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất vào ngày 8/1 vừa qua với gần 300.000 ca.

Tại châu Âu, Chính phủ Pháp đang cố gắng tránh áp đặt lệnh phong tỏa thứ ba trên toàn quốc. Theo đó, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa 2 ngày cuối tuần tại khu vực Pas-de-Calais, miền Nam nước này, do số ca lây nhiễm mới tăng nhanh.

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Đây là khu vực thứ ba tại Pháp buộc phải siết chặt kiểm soát phòng dịch. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ 8h ngày 6/3 đến 18h ngày 7/3. Trong khi lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18h vẫn có hiệu lực trên cả nước.

Tại Nga, trong ngày 5/3, Moskva ghi nhận 1.757 ca nhiễm mới. Chính quyền thành phố vẫn duy trì lệnh cấm tổ chức các sự kiện đông người và bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi công cộng. Trên toàn nước Nga nói chung, làn sóng dịch bệnh thứ hai đã giảm, song nước này vẫn ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới/ngày và đang nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm phòng.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu lục này cho biết 21 nước ở châu Phi ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn so với tỷ lệ trung bình 2,2% trên toàn cầu. Trong đó, 5 nước có tỷ lệ tử vong cao nhất do COVID-19 gồm Sudan 6,2%, Ai Cập 5,9%, Mali và Liberia mỗi nước 4,2%, Zimbabwe 4,1%.

Tính đến sáng 5/3, số ca mắc COVID-19 ở châu Phi đã lên tới 3.937.028 ca, trong đó có 105.001 ca tử vong.

Tại Nhật Bản, chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide đã quyết định gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận thêm 2 tuần, tức đến ngày 21/3 tới, do tình hình dịch COVID-19 ở khu vực này chưa cải thiện như kỳ vọng. Đây là lần thứ hai liên tiếp tình trạng khẩn cấp được gia hạn ở khu vực này.

Tại Hàn Quốc, chính quyền thủ đô Seoul thông báo sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn các vụ lây nhiễm tập thể trong nhóm lao động người nước ngoài.

Thành phố Seoul cho biết nhiều người nước ngoài đang trốn tránh xét nghiệm do lo ngại sẽ gặp những rắc rối trong sinh hoạt, làm ăn hay bị phát hiện việc họ sinh sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Do đó, chính quyền thành phố đã quyết định sẽ miễn phí tiền xét nghiệm, hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt và chi phí điều trị khi lao động người nước ngoài mắc COVID-19, miễn trừ nghĩa vụ khai báo đối với người cư trú bất hợp pháp. Các nội dung này sẽ được thông báo bằng 13 thứ tiếng.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 5/3, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.295 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 53.960 người.

Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.

Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong giảm so với ngày trước nữa.

Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.154 ca bệnh mới, 6 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. 

Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu diễn biến dịch COVID-19.

Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 5/3 ghi nhận thêm 79 ca bệnh mới, song không có ca tử vong. Thái Lan dù không ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 trong thời gian gần đây, song tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao và diễn biến phức tạp.

Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có tới 23 bệnh nhân mới trong ngày 5/3, buộc nhà chức trách phải phong tỏa nhiều tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 53.960 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 154 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.497.898 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.224.607 trường hợp.

Linh Tuệ (T/h)