Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 2.605 cơ sở CNNT, giải quyết việc làm cho khoảng 9.259 lao động. Năm 2020, lực lượng này tiếp tục được xác định có vai trò quan trọng, góp sức vào giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt 3.400 tỷ đồng.

Tỉnh Điện Biên xác định khuyến công là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển CNNT. Thực hiện Quyết định 136/2007/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia, công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh đã được đẩy mạnh, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt vùng nông thôn miền núi.

khuyến công Điện Biên đang từng bước đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh phát huy nội lực, mở rộng sản xuất kinh doanhKhuyến công Điện Biên đang từng bước đồng hành cùng các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh phát huy nội lực, mở rộng sản xuất kinh doanh

Trong giai đoạn 2015 - 2019, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 32 đề án với tổng kinh phí hơn 4,7 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ cho 18 đề án với kinh phí trên 3,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 14 đề án với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng đã tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm ổn định cho 370 lao động địa phương. Tiếp tục phát huy kết quả đó, năm 2020, Khuyến công Điện Biên đang triển khai 4 đề án, trong đó có 2 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí 600 triệu đồng; 2 đề án khuyến công địa phương có kinh phí 350 triệu đồng.

Sự hỗ trợ của công tác khuyến công đã giúp hình thành các chuỗi liên kết, chế biến sâu nông sản; người dân được tiêu dùng sản phẩm thiết yếu như gạch không nung và tấm lợp, với giá thành rẻ do giảm chi phí vận chuyển; đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn; gia tăng nội lực trong sản xuất cho doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh. Từ đó, phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đạt khoảng 14%/năm, với trên 5.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, kinh phí khuyến công thực hiện dự kiến khoảng 23,25 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp cho 8 cơ sở CNNT; xây dựng 5 mô hình trình diễn sản phẩm mới, công nghệ mới; 5 mô hình đang hoạt động hiệu quả cần nhân rộng; hỗ trợ 30 cơ sở đầu tư, cải tiến, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất; tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, tỉnh…

PV