Thông tư này quy định tất cả các máy điện thoại di động được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam từ thời điểm trên phải được tích hợp công nghệ E-UTRA (tức công nghệ 4G). Thông tư áp dụng đối với "các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn trên lãnh thổ Việt Nam".

Như vậy, với thông tư trên, các sản phẩm thiết bị điện thoại di động nếu đơn thuần chỉ có tính năng 2G hoặc 3G hoặc kết hợp cả 2G và 3G thì đều không được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Tất nhiên với những điện thoại có tính năng 4G, đồng thời có cả 2G, 3G thì vẫn được sản xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Với những điện thoại chỉ có tính năng 2G, 3G được sản xuất hoặc nhập khẩu vào Việt Nam trước thời điểm trên (1/7) thì vẫn được phép lưu hành.

Quy định trên được xem là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G dự kiến vào quý 1/2022, cũng như chủ trương "phủ sóng" smartphone trên toàn quốc.

Trước đó, chia sẻ với báo giới, ông Hoàng Minh Cường, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tỷ lệ điện thoại "cục gạch – feature phone" – chỉ dùng cho gọi và nhắn tin (điện thoại 2G) đang theo chiều hướng giảm mạnh.

Chỉ từ cuối năm 2019 đến cuối quý 3/2020, số lượng điện thoại "cục gạch" đã giảm khoảng 6-7 triệu máy và là việc giảm tự nhiên chứ chưa hề có hỗ trợ hay giải pháp gì để thúc đẩy người dùng chuyển sang smartphone.

Theo ông Cường, với 12 triệu máy điện thoại feature phone còn lại, đến thời điểm dự kiến dừng công nghệ cũ – 2G (quý 1/2022), cùng các giải pháp, chính sách thúc đẩy người dùng chuyển sang sử dụng smartphone hiện nay, số lượng máy điện thoại feature phone giảm xuống dưới 5% là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể còn nhanh hơn.

Hà Trần