Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may, tầm nhìn đến 2035 - Hình 1

 Thứ trưởng Cao Quốc Hưng phát biểu ý kiến tại hội thảo

Xây dựng ngành dệt may thành ngành kinh tế quan trọng

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), giai đoạn 2011-2015, ngành dệt may Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc tới 14,59%/năm. Kết quả này, đưa ngành dệt may trở thành ngành có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 2 cả nước và nằm trong top 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới.

Dự báo năm 2017, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may có thể đạt khoảng 31 tỷ USD, tăng khoảng 11% so cùng kỳ năm 2016.

Mặc dù vậy, hiện nay, ngành đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như chuỗi cung ứng dệt may chưa phát triển mạnh; thiết kế thời trang và xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng; Thiếu nguồn nhân lực cho việc phát triển ngành; không có khả năng tìm được nguồn vải đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và thời gian giao hàng…

Dẫn chứng về việc này, theo ông Phạm Ngọc Hải, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, từ năm 2016, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may đã chậm lại, chỉ đạt 92% kế hoạch. 

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng đang đối mặt với vấn đề lao động và phải cạnh tranh rất gay gắt với nhiều ngành nghề khác như lắp ráp thiết bị điện tử, chế biến thực phẩm... đáng lưu ý là cuộc cách mạng 4.0 đã đặt ra một bài toàn mới cho việc giải quyết vấn đề năng suất lao động của ngành.

Hiện ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may còn yếu, 70% nguyên liệu phục vụ cho ngành phải nhập từ nước ngoài đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Không những thế, phần lớn các doanh nghiệp dệt may Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên năng lực quả lý kém, công nghệ lạc hậu và nguồn vốn hạn hẹp. Trong khi phần đem lại giá trị lớn hơn lại nằm ở lĩnh vực thiết kế, thương hiệu, phân phối sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa làm được nhiều.

Cũng theo ông Thân Đức Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10, việc tuyển dụng lao động hiện rất khó khăn do phải cạnh tranh từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Trong phát triển về dài hạn, theo đánh giá chung của quy hoạch, ngành may vẫn là một trong những ngành có khả năng phát triển cả về doanh thu, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động, cả về trình độ khoa học công nghệ. Trong bản kế hoạch này, ngành dệt may đang được đánh giá ở mức khá và mức tiên tiến. Tổng công ty May 10 sẽ có những định hướng lớn từ Bộ Công Thương cũng như toàn ngành dệt may Việt Nam để có những bước đi và chính sách trong giai đoạn mới”, ông Việt cho hay.

Từ những vấn đề trên  Dự thảo đề án “Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến 2035” sẽ xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dệt may thành ngành kinh tế quan trọng, một trong những ngành chủ lực về xuất khẩu, có nhiều sản phẩm chất lượng cao; phát triển tối đa thị trường nội địa đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu.

Đến năm 2025, ngành công nghiệp dệt may có khả năng đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu dùng trong nước và có kim ngạch xuất khẩu cao; đến năm 2035, các doanh nghiệp dệt may phát triển bền vững, hiệu quả trên cơ sở công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, lao động, môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Đề án giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược

Đóng góp cho bản dự thảo quy hoạch lần này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông vải sợi Việt Nam cho rằng, nhu cầu dệt may thế giới tăng bình quân từ 2-3% mỗi năm và năng lực sản xuất hầu như dồn về khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc.

Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, ngành dệt may cần một quy hoạch có tính định hướng dài hạn, trong đó tập trung tháo gỡ những nút thắt và hướng đến các giá trị cốt lõi. 

Cụ thể, ngành cần đầu tư cho phát triển khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vải trong nước, đồng thời nâng cao hơn nữa giá trị gia tăng cho hàng hóa, phát triển khâu thiết kế.

Cũng theo đại diện Hiệp hội Bông vải sợi Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành thời trang đang rất mạnh mẽ, một vòng quay của sản phẩm chỉ còn 15 ngày thay vì theo 4 mùa (xuân-hạ-thu-đông ) như trước và xu thế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt để thích ứng.

Theo dự thảo quy hoạch mới, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt 3 triệu tấn sợi và đến năm 2035 đạt khoảng 5 triệu tấn. Trong khi tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may giai đoạn 2016-2020 cũng đặt ra mức tăng từ 9-9,5%/năm và giai đoạn 2021-2025 tăng từ 6-6,5%/năm.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu, dự thảo đề án cần phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp chung của cả nước và phù hợp với các ngành liên quan như giao thông, du lịch; phát triển tối đa thị trường nội địa, tăng xuất khẩu; khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ.

Cũng theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, ngoài việc phải giải quyết các vấn đề như nguồn cung nguyên phụ liệu đang thiếu hụt, thì trong dự thảo đề án quy hoạch ngành dệt may cần tính tới những yếu tố khác như thị trường, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có hiệp định Việt Nam-EU hay Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, sớm hoàn thành và đưa Đề án Điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vào cuộc sống, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh cho phù hợp.

Về phía Bộ Công Thương, sẽ xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy hoạch sản xuất đối với các sản phẩm dệt may theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở cho việc giám sát; kiểm tra các sản phẩm của ngành.

Bộ sẽ nghiên cứu thành lập trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngành hội nhập khu vực và quốc tế. Đẩy mạnh vai trò của Hiệp hội Dệt may trong việc tham mưu cho Bộ Công Thương xây dựng chính sách phát triển ngành và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng.

 Lê Quyên