XK dệt may 2018 có nhiều triển vọng
Chuỗi cung ứng: Chưa phát triển
Tính đến hết quý III, ngành dệt may đã đạt gần 23 tỷ USD kim ngạch XK, tăng 9,8% so cùng kỳ. Dự báo, trong quý IV, sẽ đạt 8 tỷ USD, nâng kim ngạch XK cả năm của ngành lên 31 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2016. Trong đó các thị trường XK chính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có mức tăng trưởng tốt. Như vậy, có thể thấy, dệt may là một trong những ngành có kim ngạch XK cao nhất của Việt Nam.
Bên cạnh những lợi thế, tiềm năng của ngành dệt may, các chuyên gia trong ngành thừa nhận, do phương thức sản xuất chủ yếu là gia công cho các đơn hàng nước ngoài nên tỷ lệ giá trị gia tăng không cao.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, điểm yếu nhất hiện nay là chưa phát triển được chuỗi cung ứng dệt may khiến giá trị gia tăng toàn ngành thấp hơn so với nhiều nước trên thế giới. Đây là nguyên nhân chính khiến cho ngành dệt may có giá trị gia tăng thấp so với nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Agtek, việc Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã tác động không nhỏ tới ngành. Một số khách hàng có ý định chuyển đơn hàng về Việt Nam có dấu hiệu khựng lại khiến XK dệt may năm 2016 rơi vào tình trạng ảm đạm. Tình hình này, tiếp tục kéo dài sang hết nửa đầu năm 2017.
Tuy nhiên, sang đến nửa cuối năm 2017, các DN trong ngành đã nhanh chóng cải thiện hệ thống sản xuất; tập trung vào một số mặt hàng thế mạnh, đồng thời đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường đã khiến XK của ngành được cải thiện đáng kể.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, trong suốt hơn một thập kỷ qua, XK hàng hóa luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Trong đó, dệt may là lĩnh vực luôn ghi được dấu ấn đầy ấn tượng.
XK năm 2018: Nhiều triển vọng
Bàn luận nhiều về triển vọng XK 2018 và khả năng tham gia chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu của dệt may Việt Nam, ông Thắng nhấn mạnh, để có thể hội nhập quốc tế, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm, từng lô hàng của dệt may XK, cần phải thực hiện ngay những giải pháp “đi bằng hai chân” với nhiều biện pháp đồng bộ.
Ông Hồng cho biết, các DN đang nghiên cứu phương thức kinh doanh hiệu quả hơn, tạo ra giá trị mới nhiều hơn, ví dụ làm FOB, ODM, tạo ra một giá trị mới và giảm bớt giá trị gia công. Nếu làm tốt điều đó - sẽ tạo ra được giá trị mới, năm 2018 hy vọng tăng trưởng của những phương thức kinh doanh sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên lại tỏ ra băn khoăn: “Năm 2018, nói về lượng hàng sẽ không thiếu, nhưng đơn giá các mặt hàng sẽ bị ép xuống. Đây là tình hình chung ở tất cả các thị trường và là điều đáng lo cho DN”.
Để khắc phục hạn chế, nhằm tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm dệt may XK, Chính phủ và các bộ, ngành đang từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong ngành dệt may Việt Nam.
Các giải pháp được đưa ra là cần khai thác tối đa thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Bên cạnh việc duy trì và phát triển XK vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…, cần chú trọng phát triển các thị trường khác như ASEAN, Liên minh Á-Âu, Ấn Độ, các nước châu Mỹ-Latin…
Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như đầu tư trong nước vào các khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm, đồng thời nghiên cứu và thu hút mọi nguồn lực để phát triển các nhà máy dệt may thông minh
Khánh Yên