Ngành dệt may Việt Nam đã và đang đứng trước những thách thức lớn, trong đó có ảnh hưởng từ sự “thoái trào” của TPP và chi phí nhân công. Trong bối cảnh thế giới đang chạy đua với cuộc cách mạng 4.0, ngành dệt may Việt cũng cần thay đổi.
Về quy hoạch, Vinatex cho rằng định hướng phát triển ngành chưa đáp ứng được định hướng lâu dài cho sự phát triển và sự thay đổi của thị trường, vì vậy thiếu sự cạnh tranh và ổn định, sự thu hút đối với người lao động.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hầu hết có quy mô vừa và nhỏ. Với khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, nếu không liên kết với một số doanh nghiệp lớn thì những doanh nghiệp này cũng khó tồn tại, chưa nói tới việc cạnh tranh quốc tế.
Việc phát triển cây bông, cây dâu, tằm và một số cây nguyên liệu khác rất khó do tiếp cận đất đai, cánh đồng lớn để đưa cơ giới và công nghệ cao vào phát triển cây nguyên liệu năng suất cao.
Ngành dệt may còn phải đối mặt với khó khăn đó là chi phí, tiền lương nhân công. Năm 2016, tiền lương tối thiểu của công nhân dệt may tăng 13%, khiến chi phí đầu vào gia tăng đã tạo áp lực tiêu cực đến toàn ngành.
Sự "thoái trào" của TPP khiến cho ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn
Theo thống kê tại một số một số doanh nghiệp may mặc hàng đầu Việt Nam như Việt Tiến, May 10, May Nhà Bè hay Vinatex… thu nhập của công nhân đã cao hơn, trung bình từ 6 triệu đồng/tháng trở lên. Điển hình như May 10 và Vinatex cũng đang cạnh tranh về mức thu nhập hàng tháng cho công nhân, với lần lượt 6,7 và 6,3 triệu đồng/tháng.
Các doanh nghiệp FDI không phải đầu tư đào tạo người lao động, trả lương 7-8 triệu như Samsung, trong khi các doanh nghiệp dệt may trong nước không thể trả mức lương như trên bởi mặt bằng lương khu vực dệt may Việt Nam chỉ trong khoảng 6,5-7 triệu đồng.
Trong khi đó, phía bên cầu, khách hàng lại đang tạo áp lực về mặt giá thành. Tỷ lệ tăng giá trên sản phẩm rất nhỏ nhưng tỷ lệ giảm giá rất cao, khả năng đối phó của ngành với tình hình phát triển chung đang gặp điểm nghẽn. Với cơ chế chi phí đầu vào tăng như hiện tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ngành dệt may nếu không có những cơ chế đột phá rất dễ phải đóng cửa.
Biện pháp đưa ra đó là cần có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ; Thu hút và khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước vào sản xuất nguyên liệu chính của ngành dệt may, da giày với điều kiện bảo đảm sản xuất xanh - sạch... Đề nghị Chính phủ có giải pháp và chỉ đạo các địa phương ủng hộ đầu tư dệt nhuộm.
Vinatex đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn hàng nhập lậu tiểu ngạch, trốn thuế do tình trạng hàng nhập lậu vải và nguyên phụ liệu dệt may tràn lan trên thị trường, gây khó khăn cho DN nội địa. Cụ thể, vải nhập lậu được bán tại TPHCM với giá chỉ 6.000-7.000 đồng/mét.
Tại Đại hội cổ đông thường niên của Vinatex diễn ra đầu tháng 5, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinatex đã nêu ra những thực tiễn ngành dệt may Việt Nam gặp phải trong năm 2016 và thời gian tới.
Đồng thời Vinatex cũng đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn một cách hữu hiệu hơn. Cụ thể, tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từng bước tiệm cận mức lãi suất cho vay của các nước trong khu vực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất.
Ngọc Linh