Ngày 15/3, VKSND Tối cao cho biết, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Đồng Tháp đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương chỉ đạo và hỗ trợ điều tra mở rộng đường dây, ổ nhóm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với số lượng rất lớn.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Đồng Tháp đã khởi tố 6 bị can có liên quan.
Hành vi phạm tội của các đối tượng bị phát hiện khi Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang Nguyễn Văn Hùng, trú tại huyện Tam Nông thuộc tỉnh này đang giao Giấy phép lái xe (GPLX) giả cho Nguyễn Văn Đành, trú tại huyện Lấp Vò (cùng tỉnh). Tiến hành khám xét người, phương tiện và chỗ ở của Hùng, Cơ quan điều tra còn thu giữ nhiều GPLX giả cùng các giấy tờ có liên quan.
Hùng khai nhận, số giấy tờ giả trên Hùng đặt làm của Võ Văn Tám, trú tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Khám xét người, phương tiện của Tám, Cơ quan điều tra cũng thu được nhiều giấy tờ giả như: Bằng thuyền trưởng, GPLX, giấy đăng ký mô tô, xe máy, học bạ, bằng tốt nghiệp... Tuy nhiên, Tám cũng không phải là mắt xích cuối cùng.
Liên quan đến đường dây này còn có Đinh Quang Lượng, trú tại tỉnh Bình Dương; Phạm Văn Tuấn và Nguyễn Xuân Hữu, đăng ký nhân khẩu tại tỉnh Ninh Bình, đang trọ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh. Tuấn và Hữu là hai đối tượng trực tiếp làm giấy tờ giả, thu giữ tại nơi ở các loại máy in phôi, máy ép nhựa, máy tính xách tay cùng nhiều thiết bị, hình con dấu Bộ, ngành… sử dụng cho việc làm giả giấy tờ của các cơ quan Nhà nước.
Cơ quan điều tra đã thu được một số lượng giấy tờ giả "khủng": Trên 200 GPLX đã hoàn chỉnh, trên 700 GPLX chưa hoàn chỉnh; trên 150 bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông, trung học cơ sở và nhiều chứng chỉ chuyên môn khác...
Giấy phép lái xe giả.
Được biết, từ đầu năm 2012, đối tượng Hùng cùng cha vợ của đối tượng Tám đã tiêu thụ khoảng 100 GPLX hạng A1 và nhiều GPLX hạng B2, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông... Một GPLX hạng A1 (loại giấy) bán từ 250 ngàn đến 700 ngàn đồng/chiếc; (loại thẻ) bán khoảng 1,1 triệu đồng/chiếc, hạng B2 (loại giấy) bán 11,5 triệu đồng/chiếc.
Còn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bán 12 triệu đồng/chiếc. Hùng khai một GPLX giả thu lợi từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, bằng tốt nghiệp THPT được hưởng lợi 1 triệu đồng/chiếc, đã nhận đặt hàng làm giấy tờ giả cho 14 đầu mối ở nhiều địa phương khác nhau như tỉnh: An Giang, tỉnh Đồng Tháp.
Ngoài nhóm làm giả của Tuấn và Hữu, cơ quan điều tra còn phát hiện nhóm của Luật và Thịnh, trú tại huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng là đầu mối làm giả giấy tờ cung cấp cho Đinh Quang Lượng. Hai đối tượng này đang bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Cần Thơ bắt giữ chờ xét xử ở một vụ án khác. Luật và Thịnh thừa nhận có trực tiếp làm giấy tờ giả cung cấp cho Lượng tiêu thụ nhưng không khai báo với cơ quan Công an.
Như vậy, trong số nhiều lái xe đang điều khiển phương tiện lưu thông trên đường, có hàng trăm lái xe đang sử dụng GPLX giả. Tức là, họ chưa được đào tạo, sát hạch để cấp GPLX, nhưng vẫn ngồi sau vô lăng tay lái. Đây là hiểm họa rình rập cướp đi sinh mạng của nhiều người bởi những lái xe "giả".
VKSND Tối cao đã có văn bản chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Tháp phối hợp chặt chẽ với một số cơ quan tố tụng tỉnh, thành phố như An Giang, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... nơi có đối tượng liên quan trong vụ án này, đồng thời khẩn trương điều tra triệt để, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm số đối tượng phạm tội nêu trên
Theo CAND