Sức ép từ thương mại điện tử xuyên biên giới

Sự xuất hiện của một sàn thương mại điện tử mới tại Việt Nam đã tạo nên sức hút rất lớn đối với người tiêu dùng bằng cách thức giảm giá, tặng tiền cho người dùng thông qua hoạt động tiếp thị liên kết. Tuy nhiên, điều này cũng đã tạo nên sức ép không hề nhỏ đối với thị trường, đặc biệt là các nhà bán hàng trên các nền tảng trực tuyến.

Từ đầu tháng này, sàn thương mại điện tử Temu từ Trung Quốc đã bắt đầu quảng bá rầm rộ tại nước ta, với những lời mời gọi mua sắm giá siêu rẻ, giảm tới 90%. Sàn thương mại này đang nối gót các "đàn anh" như Taobao, 1688, Shein trong cuộc đổ bộ vào thị trường Việt Nam.

Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình khoảng 25%/năm, thuộc top đầu khu vực Đông Nam Á.

Hình ảnh các sản phẩm khuyến mãi trên 50% tại một số trang thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: PA.
Hình ảnh các sản phẩm khuyến mãi trên 50% tại một số trang thương mại điện tử xuyên biên giới. Ảnh: PA.

Số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hiện tại đã vượt ngưỡng 61 triệu người với giá trị mua sắm trực tuyến vào khoảng 336 USD/người.

Đây cũng là lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Và cũng đang đặt ra hàng loạt các vấn đề trong công tác quản lý cùng thách thức cạnh tranh đối với thị trường thương mại điện tử tại nước ta.

Chị Nguyễn Ngọc Tâm, Phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: "Xuất hiện một sàn thương mại điện tử giá rẻ đối với tôi cũng là thêm một lựa chọn để mua sắm. Tuy nhiên, với giá sản phẩm rẻ, tôi cũng lo lắng về chất lượng bởi vì nếu mua về mà không sử dụng được thì có khi lại thành đắt".

Theo ghi nhận, hàng hóa giảm giá vượt quá 50% rất dễ bắt gặp trên các sàn, chỉ cần nhập từ khóa cần tìm là người dùng có thể tìm được sản phẩm có giá giảm mạnh.

Chẳng hạn, trên một sàn thương mại điện tử lớn, chiếc tai nghe gaming giảm từ 279.000 đồng xuống còn 125.000 đồng (giảm 54%), kệ giày đa năng giảm từ 150.000 đồng xuống 69.900 đồng (giảm 53%), kệ treo quần áo, dây sạc iPhone cũng đang giảm giá trên 51%... 

Hoặc tại một số sàn thương mại điện tử khác, áo thun nam giảm từ 92.000 đồng xuống 45.000 đồng/cái (tương đương 51%), dây thắt lưng vải giảm 256.000 đồng xuống 94.000 đồng (63%), áo mưa, áo sơ mi cũng đang giảm từ 51% - 60%.

Đáng chú ý hơn, gần đây, các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc vừa tham gia vào thị trường Việt Nam là Temu, Taobao hay 1688 còn giảm giá "khủng" hơn, lên đến 80-90%.

Chẳng hạn, sàn Temu đang giảm giá sạc ô tô 88%, từ 221.000 đồng xuống 26.000 đồng/chiếc; tai nghe không dây giảm 80%, từ 710.000 đồng xuống còn 141.000 đồng; tủ quần áo khung thép đến 75%, từ 1,4 triệu đồng xuống còn 355.000 đồng...

Người dùng hào hứng vì mua được hàng giá rẻ nhưng người bán hàng thì ngược lại. Cửa hàng này đã phải dừng bán hàng trên sàn thương mại điện tử để tìm hướng cải thiện tình hình kinh doanh.

Bà Trần Thu Thảo, chủ cửa hàng thời trang The Peachy chia sẻ: "Một chiếc váy trung bình của bên mình là 800.000 đồng thì mình phải trả trên sàn khoảng 18%, cộng thêm các chi phí như mặt bằng, nhân viên, chi phí marketing, chi phí chạy quảng cáo, chi phí duy trì, chi phí sản xuất… Khi các phiên giảm giá trên sàn bắt buộc các nhà bán hàng phải đưa ra một deal tốt nhất cho người tiêu dùng. Tất nhiên, tất cả biên lợi nhuận sẽ bị giảm sút".

Theo các chuyên gia, dù khó khăn nhưng đây sẽ là vấn đề mà bất cứ người kinh doanh nào cũng phải chấp nhận đối mặt.

Theo thống kê của Nền tảng Số liệu Thương mại Điện tử Metric, trong 9 tháng đầu năm có gần 6.000 nhà bán rời bỏ các kênh thương mại điện tử. Điều này cho thấy áp lực cạnh tranh rất khốc liệt và khi có thêm một cái tên mới cùng một cơn bão giảm giá, đốt tiền giành thị phần thì cuộc chơi khó lại càng thêm khó.

Đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh trên thương mại điện tử

Thời gian qua, Trung Quốc gia tăng xuất khẩu qua biên giới bằng nền tảng số và thương mại điện tử, trong đó có Tiktok shop, Shopee, Lazada… Doanh nghiệp Trung Quốc lập các kho hàng ở khu vực biên giới, hoặc có kho hàng ngay tại Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt ngày càng phải ứng phó với các thách thức cạnh tranh.

Các cơ quan đang kiến nghị giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động sàn thương mại điện tử
Các cơ quan đang kiến nghị giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động sàn thương mại điện tử

Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao chia sẻ tương tự câu chuyện của Shein, vấn đề chất lượng hàng hóa trên Temu hiện chưa được kiểm soát chặt chẽ, trong khi các doanh nghiệp trong nước phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về nhãn phụ và kiểm định môi trường.

Bên cạnh đó, Temu làm rất nhiều chương trình marketing để tiếp cận trực tiếp tới người dùng mạng xã hội. Những ngày gần đây, Temu liên tục các quảng cáo thông qua những KOL, KOC để quảng bá về sản phẩm, dịch vụ.

Bà Lê Thị Hà, đại diện Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, hiện đang làm việc với Temu đề sàn này hiểu biết hơn và thực hiện theo pháp luật Việt Nam. Với người tiêu dùng khi mua sắm, trên các sàn Thương mại điện tử đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới mà chưa được Bộ Công Thương xác nhận, được công bố trên cổng thông tin quản lý hoạt động Online.gov.vn phải thật sự cẩn trọng.

Trước khi xuất hiện tại Việt Nam, sàn thương mại điện tử Temu đã ra mắt tại Mỹ và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á. Tại châu Âu, giới chức EU đang siết chặt kiểm soát sàn thương mại điện tử Temu với những lo ngại có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.

Những sản phẩm có giá bán rẻ đến mức khó hiểu từ các nền tảng bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc đang làm đau đầu giới quản lý Nhà nước và doanh nghiệp Châu Âu.

Vẫn chưa ai có thể giải thích được mô hình kinh doanh của các nền tảng bán hàng trực tuyến như Temu hay Shein, giá bán sản phẩm tới tay khách hàng quá thấp, tới mức thậm chí chưa bằng chi phí bao bì và vận chuyển. 

Sự tấn công ồ ạt của hàng hoá giá rẻ cũng là vấn đề được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ trong nước, nhiều nước đã tăng cường "dựng hàng rào" với hàng hoá giá rẻ trên các sàn thương mại điện tử.

Tại nước ta, theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương thì, sàn thương mại điện tử Temu đã có văn bản xin cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới.

Mới đây nhất, Sở Công thương TP. HCM vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về đề xuất một số giải pháp quản lý, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Sở Công thương TP. HCM cho rằng cần quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội…

Theo đó, áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc (ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại Việt Nam) đối với các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… vi phạm nhiều lần.

Rà soát quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện hành, kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ quy định của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp trong nước.

Thiên Trường