Ngày 19/11, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức diễn đàn Nông nghiệp Mùa Thu 2020 với chủ đề "Định hướng chính sách nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19".

Theo ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, dịch COVID-19 khiến các sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy chuỗi giá trị. Nặng nề nhất là sản phẩm tươi trái cây, rau củ quả, tiếp đó là sản phẩm thủy sản. Tuy nhiên, một số sản phẩm có chế biến, bảo quản tốt thì có lợi thế. Các chuỗi giá trị ngắn cung ứng cho đô thị, có hợp đồng thì hoạt động ổn định hơn. Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cũng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, nông nghiệp còn chịu tác động bởi dịch bệnh, thiên tai… và hộ nông dân chịu rủi ro lớn nhất, tuy nhiên an ninh lương thực vẫn đảm bảo do nông dân sản xuất trực tiếp cao.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ

Tuy nhiên, dịch COVID-19 cũng tạo nhu cầu nông sản thế giới tăng lên. Doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội sau COVID-19 để xuất khẩu trực tiếp, đa dạng thị trường. Nhưng theo đó là những thách thức về tiêu chuẩn đa dạng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm yêu cầu cao, khả năng cung ứng khối lượng lớn với chất lượng ổn định.

Rà soát cũng như định hướng chính sách cho nông nghiệp trong thời gian tới, theo ông Đào Thế Anh cần tiếp cận theo hướng đảm bảo hệ thống thực phẩm bền vững. Hộ nông dân cần được chuyên nghiệp hoá. Liên kết hợp tác xã - doanh nghiệp là trung tâm của chuỗi giá trị.

Để tăng cường tính bền vững của hệ thống thực phẩm, ông Đào Thế Anh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đầu tư cho khoa khọc công nghệ như về nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn để nâng cao hiệu quả, hỗ trợ hộ nông dân nhỏ tham gia chuỗi giá trị và tăng cường tính chống chịu của chuỗi với các rủi ro. Có chính sách tăng cường năng lực cho hộ nông dân, hợp tác xã, cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm. Xây dựng nông dân chuyên nghiệp hoá để tạo quy mô sản xuất, có sự liên kết với hợp tác xã.

Hợp tác xã có thể tham gia vào toàn bộ, hay một phần của chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản. Nhưng thực tế các hợp tác xã của Việt Nam mới làm tốt ở khâu sản xuất, dịch vụ đầu vào và thu hoạch, chưa quản trị tốt chất lượng sản phẩm. Do đó cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã. Các ngân hàng cũng cần dịch chuyển từ người cho vay dựa vào tài sản thể chấp sang là những nhà cung cấp các giải pháp tài chính cho hợp tác xã.

Qua nghiên cứu tác động của COVID-19 lên chuỗi giá trị nông sản ở Cao Bằng và Bắc Kạn, ông Phạm Công nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cho biết, dịch đã tác động tiêu cực đến các chuỗi giá trị nông sản, điển hình là sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến chuỗi có sự thay đổi trong hoạt động.

Do đó, cơ sở sản xuất, chế biến cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào chế biến sản phẩm, giảm tỷ lệ hao hụt; đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi, đảm bảo quá trình lưu thông sản phẩm, tránh đứt gãy chuỗi, đảm bảo sự phân phối lợi ích hài hòa giữa các tác nhân khi dịch xảy ra; đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh hàng mới, kênh hàng hiện đại.

Từ thực tại của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thứ, Giám đốc Công ty GC Food cho biết, hậu COVID-19, doanh nghiệp đã chủ động thay đổi kinh doanh trong trạng thái bình thường mới để đáp ứng kịp thời cho các tình huống xảy ra; đồng thời chuyển đổi số hoạt động phân phối, kinh doanh và bán hàng.

Ông Nguyễn Văn Thứ cho rằng, nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho doanh nghiệp về tạo cơ hội quỹ đất đầu tư nông nghiệp sạch; chính sách hỗ trợ đầu tư thêm cho việc nghiên cứu phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ nhân dân.

PV