Quang cảnh buổi toạ đàm
Quang cảnh buổi toạ đàm.

Tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đại diện Văn phòng Chính phủ, phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI, cùng các chuyên gia, khách mời... 

Phát biểu tại buổi toạ đàm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhận định: Long An hoàn toàn có đủ cơ hội, lợi thế cho phát triển vùng kinh tế công nghệ cao, lấy khoa học, công nghệ cao là nền tảng… để hoàn thành mục tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025 như: Khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng an ninh; tạo bước đột phát để tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững.

Đến năm 2025, giữ vững vị trí dẫn đầu cùng ĐBSCL và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tại buổi toạ đàm diễn ra nhiều lễ ký kết hợp tác tài trợ giữa các đơn vị bao gồm: Lễ ký kết tài trợ dịch vụ “chuyển đổi số” giữa tỉnh Long An - Saigontel - Roland Berger; ký kết hợp tác xúc tiến đầu tư tỉnh Long An và SMBL; ký kết hợp tác và hỗ trợ về “Quy chế phối hợp giữa sở, ban ngành của tỉnh giải quyết các thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, theo quy định của tỉnh Long An và Công ty Cổ phần Đầu tư DVL VENTURES"...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh “Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; kiên quyết tháo gỡ những điểm nghẽn; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, thành công tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; hướng phát triển bền vững với việc triển khai các chính sách quan trọng, Chính phủ sẽ hỗ trợ phát triển hạ tầng kỹ thuật số, công nghệ thông tin và truyền thông, đào tạo nhân lực chất lượng cao, giàu kỹ năng nhằm đưa đóng góp kinh tế số lên 20% GDP của cả nước vào năm 2025.

Tôi cũng đề nghị tỉnh Long An cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân... để đề ra các định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao thông minh của tỉnh; trong đó cần chú trọng phát triển hài hoà giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đối với phát triển công nghiệp, tỉnh cần xác định các ngành mũi nhọn, có lợi thế, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistics. Đối với nông nghiệp cần phát triển theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An cho rằng: Long An có tiềm năng và lợi thế lớn trong thu hút đầu tư, nhưng bức tranh thu hút đầu tư còn nhiều điều chưa như mong muốn. Qua tọa đàm, tỉnh sẽ mạnh dạn định hướng hình thành Khu kinh tế công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc, là nơi thu hút, ươm tạo các dự án công nghệ cao nhằm phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực, đổi mới mô hình tăng trưởng, ưu tiên cho những nhà đầu tư chiến lược, thu hút đầu tư những ngành nghề trọng điểm, công nghệ cao.

Đặc biệt, Long An gần TPHCM, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong thu hút đầu tư và đang dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng sẵn có, Long An đẩy mạnh việc thu hút đầu tư, định hướng hình thành Khu kinh tế công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Thuận Yến – Thùy Linh