Ngày 26/11, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và xúc tiến đầu tư vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều thời gian phân tích sâu về "tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới" giúp khu vực Đông Nam Bộ phát triển.
Tư duy mới về phát huy nội lực
Theo Thủ tướng, tư duy mới là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá, tinh thần đoàn kết...
"Sản phẩm của chúng ta phải là trí tuệ, năng lực, bản lĩnh của con người Việt Nam", Thủ tướng nói.
Tư duy mới là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Tư duy mới là biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.
Bên cạnh đó, nội lực cần kết hợp với ngoại lực (vốn, công nghệ, quản lý, thể chế…), sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh doanh nghiệp trong nước với ngoài nước.
Đó là bởi có những vấn đề chúng ta đang gặp phải như chống biến đổi khí hậu, dịch bệnh, an ninh mạng… không thể một mình giải quyết. Những vấn đề toàn cầu cần có tư duy, cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế.
Các vấn đề hiện nay tác động đến toàn dân nên tư duy đổi mới là phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể. Mọi chính sách hướng đến người dân và người dân phải tham gia xây dựng chính sách, thực thi chính sách với tinh thần dân chủ, công bằng, bình đẳng.
Đột phá mới về huy động nguồn lực
Làm rõ nội hàm về "đột phá mới", Thủ tướng cho rằng, đó là cách thức, phương thức huy động các nguồn lực.
Nguồn lực hiện có so với một đất nước 100 triệu dân, so với yêu cầu cuộc sống, mặt bằng chung của thế giới còn thấp. Là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi thì phải huy động nguồn lực bằng nhiều phương thức, cách làm. Do đó, phải có cơ chế chính sách đột phá, đây cũng chính là nguồn lực.
Nhắc lại các cuộc làm việc với địa phương thời gian qua, Thủ tướng cho biết, trước các kiến nghị của địa phương về hỗ trợ nguồn vốn, ông đều nêu rõ, nguồn lực đã được phân bổ hết, để có thêm vốn, ngoài dựa vào khoản tăng thu, tiết kiệm chi thì cơ chế, chính sách chính là nguồn lực. Cơ chế, chính sách đó phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, phải ổn định.
"Trong quá trình triển khai, các địa phương, doanh nghiệp vướng gì, cần đề xuất rõ, luật nào, nghị định nào bị vướng, từ đó, phân cấp để xử lý", Thủ tướng nói.
Về huy động nguồn lực từ hợp tác công tư, Thủ tướng gợi ý 3 mô hình hợp tác công tư. Một là lãnh đạo công, quản trị tư các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Lãnh đạo công là xây dựng cơ chế, chính sách, luật pháp, phát triển hạ tầng đến chân các khu này, còn quản trị tư là giao cho tư nhân quản trị. Thứ hai là đầu tư công, quản trị tư. Thứ ba, đầu tư tư, sử dụng công.
Nêu rõ bài học "hợp tác công tư có nhiều hình thức, chúng ta phải sáng tạo, năng động, phải quyết tâm làm", Thủ tướng lấy ví dụ, thời gian vừa qua, có tỉnh làm được 200 km cao tốc nhưng cả vùng Đông Nam Bộ trong 10 năm qua chỉ làm được 50 km cao tốc: "Đây là vấn đề mà các đồng chí cần suy nghĩ, không ai làm thay chúng ta được".
Thủ tướng tán thành với ý kiến xây dựng trung tâm tài chính trong vùng để huy động nguồn lực hay quỹ phát triển hạ tầng như đề xuất của lãnh đạo TP. HCM. Thủ tướng giao các bộ, ngành nghiên cứu triển khai.
Thủ tướng cũng nêu rõ đột phá mới về khoa học, đổi mới sáng tạo, giáo dục đào tạo, phong trào lập nghiệp, tăng năng suất lao động phải trở thành xu thế phát triển. Phát triển văn hoá, giáo dục, y tế cần ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị. Phát huy tối đa yếu tố con người Việt Nam là trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức để phát triển.
Giá trị mới về tốc độ tăng trưởng
Thủ tướng cho biết, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. "Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn", Thủ tướng nói.
Thu nhập bình quân đầu người, chỉ số phát triển con người phải cao hơn, ngang tầm khu vực, các nước phát triển. Hạ tầng kết nối vùng, cả nước, khu vực cũng như quốc tế phải tốt nhất. Phải khắc phục bằng được những vấn đề tồn tại mà người dân bức xúc như biến đổi khí hậu, môi trường.
Giá trị mới lớn nhất của vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc, Thủ tướng nêu rõ.
Với khí thế mới, động lực mới, tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng vùng Đông Nam Bộ sẽ triển khai thành công Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, đạt nhiều thành quả, khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ là đúng, trúng, mang lại hiệu quả.
Theo VOV.vn