THCL Nhiều NHTM hiện nâng lãi suất huy động, mức phổ biến 0,1 - 0,3%, có nơi lên tới 8%/năm. Lãi suất rục rịch tăng - khiến nhiều DN lo lắng có thể lâm cảnh khó khăn.
Lãi suất cao sẽ là gánh nặng…
Từ cuối năm 2015, khi một số NHTM nhỏ tăng lãi suất nhằm thu hút tiền gửi để đáp ứng nhu cầu tín dụng cuối năm - đã khơi mào cho xu hướng tăng lãi suất. Ngay sau đó, một số NH có quy mô lớn cũng vào cuộc khiến xu hướng tăng lãi suất ngày càng rõ nét.
Sau Tết Nguyên đán, NH TMCP Phương Đông (OCB) đưa ra mức lãi suất vượt trội lên tới 8% dành cho kỳ hạn 36 tháng. Nhà băng này cũng áp dụng mức lãi suất cao 7,7%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng và 21 tháng, lãi suất 7,8% cho kỳ hạn 24 tháng. Ngoài ra, OCB cộng thêm 0,1%/năm khi gửi tiết kiệm trực tuyến. Tại NH TMCP XNK (Eximbank) áp dụng mức lãi suất mới cao nhất là 8% thay vì 7,6% như trước cho chương trình khuyến mại dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn từ 15 tháng trở lên với số tiền gửi ít nhất 10 tỷ đồng. NH Bản Việt (Viet Capital Bank) đã thay đổi lãi suất tiền gửi tiết kiệm, đồng thời ưu đãi cộng lãi suất tiền gửi online từ 0,1%/năm đến 0,3%/năm so với lãi suất thông thường ở tất cả các kỳ hạn. Ðặc biệt, đối với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, khách hàng được cộng thêm 0,3%/năm lãi suất, lãi suất tối đa lên đến 7,5%/năm…
Trước những động thái chuẩn bị cho cuộc đua tăng lãi suất của các NH, nhiều DN đã không khỏi lo lắng. Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực XNK hàng tiêu dùng cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã hình thành, nhiều hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia có hiệu lực, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ sớm được ký kết, đang tạo áp lực cạnh tranh rất lớn cho các DN trong nước. Trong khi đó, câu chuyện lãi suất cho vay vẫn là mối quan tâm hàng đầu của mỗi DN, bởi nguồn vốn vay chủ yếu của DN đến từ hệ thống NH. Gần đây, dù các DNNVV đã tiếp cận được vốn từ cơ chế vay tín chấp, nhưng với tỷ suất lợi nhuận trên đồng vốn của DN còn thấp như hiện nay, nếu lãi suất cao DN sẽ khó lòng trụ vững.
Nhiều DN chia sẻ, lãi suất đã hạ nhiệt vài năm qua, nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Hiện NH vẫn là “bà đỡ” chủ yếu về vốn hoạt động cho DN. Nếu không có một chính sách lãi suất ổn định, DN trụ được trên sân nhà cũng khó chứ đừng nói vươn ra thị trường thế giới.
Trên thực tế, tại nhiều diễn đàn tháo gỡ khó khăn cho DN tổ chức thời gian gần đây, vấn đề được quan tâm hàng đầu chính là lãi suất. Nhiều DN bày tỏ mong muốn lãi suất trung - dài hạn cần ổn định để DN yên tâm đầu tư. Bởi với dự án đổi mới máy móc thiết bị, đầu tư nhà xưởng cần từ 3 - 5 năm ổn định, nhưng lãi suất vay trung - dài hạn hiện chỉ ổn định trong năm đầu và thả nổi những năm tiếp theo. Một khi kinh tế vĩ mô ổn định thì không sao, nhưng khi thị trường biến động và lãi suất tăng cao - sẽ tác động rất lớn đến hoạt động của DN.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Trước những động thái tăng lãi suất của các NH, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, mặt bằng lãi suất chịu áp lực lớn, song việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.
Thống kê của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 2/2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức khoảng 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn, giảm khoảng 0,2 - 0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó, lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3 - 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005 - 2006 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định, qua đó tiếp tục hỗ trợ tích cực cho sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn. Trong điều kiện thách thức như vậy, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, việc thực hiện mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi.
Như vậy, NHNN đã phát đi thông điệp giữ ổn định lãi suất, tạo điều kiện cho cộng động DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Nếu lời hứa này được thực hiện, cộng đồng DN sẽ bớt được mối lo tăng chi phí vốn đầu vào và yên tâm bắt tay vào phát triển sản xuất thay vì canh cánh nỗi lo tăng lãi suất
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Khu vực tài chính - NH năm nay sẽ còn khó khăn khi nợ xấu chưa được xử lý triệt để và hạ lãi suất là bài toán khó. Vì vậy, việc định hướng chính sách tỷ giá, lãi suất là rất quan trọng, bởi không chỉ làm DN khó khăn, mà còn ảnh hưởng đến lạm phát, thay vì đầu tư sản xuất.
Cao Huyền