Khảo sát tại các phố chuyên bán các mặt hàng đồ chơi trẻ con trong dịp trung thu như Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược, Chả Cá... cho thấy, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên giá bán không tăng, chỉ tương đương năm 2019.

Đồ chơi Trung thu của Việt Nam được ưa chuộngĐồ chơi Trung thu của Việt Nam được ưa chuộng

Hiện tại, các loại đèn ông sao được bán với giá 15.000 - 20.000 đồng/sản phẩm, các loại cỡ to hơn là 70.000 - 100.000 đồng/sản phẩm. Đèn lồng giấy có giá 20.000 - 50.000 đồng/chiếc, tùy từng kích cỡ. Đầu lân sư tử là loại đồ chơi có giá đắt nhất, khoảng 550.000 - 950.000 đồng/chiếc, loại đầu lân đặc biệt có giá lên tới 3 - 5 triệu đồng/chiếc.Mặt nạ giấy bồi, món đồ chơi truyền thống do các nghệ nhân phố cổ sản xuất thủ công có giá bán khoảng 35.000 - 70.000 đồng/chiếc; mặt nạ nhựa Trung Quốc có giá dao động từ 20.000 - 40.000 đồng/chiếc.

Anh Phạm Văn Dũng, chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không khí mua sắm đồ chơi trung thu có phần trầm lắng hơn so với mọi năm. Do đó, cửa hàng nhà anh cũng chỉ nhập hàng cầm chừng để nghe ngóng thị trường, tuy nhiên vẫn đảm bảo đầy đủ các mặt hàng để phục vụ người dân lựa chọn cho Tết Trung thu. Đặc biệt, năm nay cửa hàng của anh ngoài bán những sản phẩm đồ chơi sẵn, còn bán thêm các nguyên phụ liệu để làm đèn ông sao, mặt nạ...

Ngoài dịch vụ bán đồ handmade làm đèn ông sao, các cửa hàng bán đồ chơi trên phố cũng đi kèm thêm nhận làm phông trung thu. Kích thước phông có thể linh động theo nhu cầu của khách hàng (nhưng thường nhận khổ 80x1m2) với giá 20.000 đồng/tờ.

Tại Hàng Mã, các quầy hàng còn bày bán các mặt nạ thô khá lạ mắt. Đây là những sản phẩm được bán trong dịch vụ đồ handmade của các quầy hàng. Các chủ cửa hàng sẽ cung cấp mẫu mặt nạ thô đi kèm với màu vẽ. Người tiêu dùng có thể mua các vật dụng này và tự tô vẽ theo ý thích tại nhà để tạo ra sản phẩm theo ý của mình.

Bác Nguyễn Thị Dung, chủ cửa hàng trên phố Hàng Mã chia sẻ, một chiếc mặt nạ được bán với giá 2.000 đồng - 3.000 đồng/chiếc. Đi kèm với mặt nạ là bộ màu tô vẽ. Có hai loại để khách hàng lựa chọn. Một là loại nhỏ được bán với giá 3.500 đồng/vỉ. Loại thứ hai cũng là màu nước nhưng có kích thước to hơn được bán với giá là 35.000 đồng/vỉ.

Để so sánh kích thước của hai loại, ta thấy rõ được sự khác biệt lớn. Người tiêu dùng nên lựa chọn loại nhỏ cho con khi bé mới chơi tập tô vẽ để thử nghiệm. Còn với những ai mua mặt nạ theo lố để cho con tầm tuổi lớn hơn chơi dần có thể mua loại màu nước cỡ to.

Chị Bùi Hằng Trang, ở phố Bà Triệu cho biết, để giúp con cảm thấy hứng thú hơn với trung thu nên chị đã tự mua mặt nạ thô cùng màu nước và cốt làm đèn ông sao về để cùng con làm đồ chơi. Theo chị Trang, vì khi làm đồ chơi handmade như vậy, giúp trẻ hiểu ý nghĩa ngày Tết Trung thu, sự gắn kết giữa cha mẹ với con trẻ nhiều hơn và trẻ bớt sự quan tâm đến các trò chơi điện tử.

Thực tế, các loại đồ chơi truyền thống “Made in Vietnam” đã dần lấy lại vị thế, được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn. Những năm qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ đồ chơi ngoại nhập không rõ nguồn gốc xuất xứ, có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe… nên người tiêu dùng dần hạn chế mua đồ chơi nhập khẩu.

Trong khi đó, đồ chơi truyền thống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các chất liệu từ giấy, tre, nứa gần gũi thiên nhiên, đảm bảo an toàn hơn cho người sử dụng, mẫu mã sản phẩm cũng đã có nhiều cải tiến, không thua kém hàng ngoại nhập. Ngoài ra, đồ chơi truyền thống còn có ý nghĩa giáo dục cho trẻ em văn hóa Việt Nam, giúp trẻ em hiểu được cội nguồn, ý nghĩa Tết Trung thu.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, nhằm ngăn chặn đồ chơi Trung thu nhập lậu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan này thường xuyên tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với người kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu.

Minh Đăng