GĐ Công ty Tư vấn thương hiệu Mibrand Lại Tiến Mạnh
Ông đánh giá ra sao về vấn đề xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng ý thức được rằng, xây dựng thương hiệu chính là con đường đúng đắn nhất cho việc xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững. Họ đã nhận ra lợi thế rất lớn của những thương hiệu mạnh, cụ thể là khả năng bán hàng tốt hơn, khách hàng trung thành hơn, bán với giá cao hơn, dễ dàng tung các dòng sản phẩm mới hoặc tấn công vào phân khúc mới khi đã có tên tuổi trên thị trường.
Cạnh tranh trên thị trường thắng hay bại, phụ thuộc rất lớn vào việc xây dựng, quảng bá, duy trì và gìn giữ hình ảnh thương hiệu một cách tốt nhất. Mặt khác, các doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội gia tăng sức mạnh thông qua mua bán, sáp nhập, nhượng quyền. Tất cả đều xuất phát từ nền tảng một thương hiệu mạnh, đặc biệt là hoạt động nhượng quyền sẽ mang lại nguồn tài chính khổng lồ trong khi nỗ lực bỏ ra là không nhiều.
Về chất lượng, tôi nhận thấy những điểm sáng là một số thương hiệu đang đi vào cốt lõi của xây dựng thương hiệu, không ngừng hoàn thiện chính mình, cùng với truyền thông có chiến lược. Các hoạt động truyền thông đầy cảm xúc đánh trúng tâm lý khách hàng, cũng sẽ góp phần gia tăng giá trị thương hiệu một cách đáng kể, tất nhiên với điều kiện phải đi đôi với chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Việc này, giúp gia tăng chỉ số sức mạnh thương hiệu BSI - Brand Strength Index, chỉ số rất quan trọng quyết định giá trị thương hiệu.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề quan trọng mà các doanh nghiệp cần tính đến, trong đó bao gồm chiến lược định vị thương hiệu, triển khai ý tưởng cũng như đo lường hiệu quả truyền thông. Sẽ khó cho nhiều doanh nghiệp, nếu cách làm chung là đua nhau chi những khoản tiền khổng lồ vào truyền thông mà thiếu một định hướng xuyên suốt cho một giai đoạn dài hơi. Về ngắn hạn, cách làm này có thể có tác dụng tức thời, nhưng về dài hạn, sẽ gây nhiễu loạn thông tin và kiệt quệ năng lực sáng tạo, cũng như ngân sách truyền thông của doanh nghiệp. Tác dụng tổng thể không có và thương hiệu không có bản sắc riêng.
Việc không có một chiến lược tổng thể, khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội gia tăng giá trị của thương hiệu một cách rõ rệt. Đây là điểm khác biệt rất lớn giữa các thương hiệu Việt Nam và các thương hiệu quốc tế. Trong khi các thương hiệu quốc tế luôn hiểu rất rõ định hướng chiến lược của mình là gì và luôn tuân thủ một cách nhất quán, thì các thương hiệu Việt Nam lại tỏ ra rất yếu trong lĩnh vực này. Số thương hiệu Việt Nam có định hướng chiến lược dài hạn là rất hiếm. Đây là điểm bất hợp lý, tồn tại trên thị trường Việt Nam. Điều này, hoàn toàn có thể khắc phục được thông qua các hoạt động tư vấn và hỗ trợ từ bên ngoài.
Ngay cả khi có định hướng về chiến lược thì doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý đến hiệu quả truyền thông, nhất là trong môi trường đa kênh như hiện nay. Các doanh nghiệp cần tối ưu hóa các chi tiêu của mình, bắt đầu bằng cách đo lường một cách có hệ thống hiệu quả hoạt động truyền thông. Chúng tôi có các công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề này một cách dễ dàng.
Tại Hội thảo “Quản lý và tăng cường chỉ số sức mạnh thương hiệu” mới đây, ông đã chia sẻ: “Brand Finance và Mibrand đang triển khai một chương trình dài hạn nhằm tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam cách thức tạo ra giá trị cho thương hiệu một cách hiệu quả nhất”. Ông có thể cho doanh nghiệp biết cụ thể hơn về chương trình này?
Đây là một chương trình tư vấn tổng thể dài hạn nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng định hướng chiến lược, cũng như quản trị một cách hiệu quả các hoạt động truyền thông quảng cáo của mình nhằm mục đích cuối cùng là gia tăng giá trị thương hiệu. Chương trình này, được bắt đầu bằng những buổi huấn luyện miễn phí tại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có một nền kiến thức tổng quát cần thiết cho quá trình xây dựng thương hiệu. Các chuyên gia của Mibrand và Brand Finance sẽ cung cấp những kiến thức quản trị và gia tăng giá trị thương hiệu cho lãnh đạo doanh nghiệp.
Với những kiến thức này, doanh nghiệp sẽ thay đổi cách nhìn và phương pháp tiếp cận trong quản trị thương hiệu. Chương trình giúp doanh nghiệp đánh giá một bức tranh tổng thể về thương hiệu của mình trong bối cảnh cạnh tranh toàn ngành để xác định các cơ hội phát triển.
Ngoài việc giúp xây dựng chiến lược thương hiệu dài hạn, chương trình còn cung cấp các phân tích chi tiết về điểm mạnh, điểm yếu đang tồn tại của doanh nghiệp, từ đó có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng ra các quyết định phù hợp trong quá trình kinh doanh và phát triển thương hiệu.
Cuối cùng, chúng tôi giúp các doanh nghiệp theo dõi và giám sát một cách chặt chẽ quá trình phát triển của thương hiệu bằng các công cụ độc quyền, giúp doanh nghiệp có được hiệu quả gia tăng giá trị thương hiệu cao nhất trên ngân sách mình bỏ ra. Đây sẽ là chương chình tổng quát, giúp doanh nghiệp tiếp cận với phương thức quản trị thương hiệu hiệu quả nhất trên thế giới hiện nay.
Theo ông, đâu là những việc cần làm ngay đối với doanh nghiệp, cơ quan chức năng liên quan, để xây dựng thành công thương hiệu Việt?
Với doanh nghiệp - đó là sự thay đổi tư duy về quản trị giá trị thương hiệu, coi thương hiệu là tài sản vô hình giá trị nhất của doanh nghiệp. Đây là tư duy rất tích cực và đơn giản, mang lại cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với quản trị doanh nghiệp. Việc thay đổi tư duy này, sẽ giúp doanh nghiệp chuyển từ xây dựng nhận biết và hình ảnh thương hiệu thông qua quảng cáo bằng xây dựng giá trị thị trường của thương hiệu bằng trải nghiệm tổng thể. Trong đó, mọi bộ phận chức năng đều tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu.
Tư duy truyền thông nhằm mục tiêu ngắn hạn cần được thay thế bằng tư duy đầu tư cho hiệu quả dài hạn, cân bằng giữa truyền thông tiếp thị và truyền thông thương hiệu. Quan hệ khách hàng một cách truyền thống, sẽ được thay bằng trải nghiệm khách hàng và thương hiệu sẽ có cơ hội phát tiển mạnh mẽ khi đến điểm bùng phát.
Các cơ quan chức năng nên coi phát triển giá trị thương hiệu là mục tiêu chung, từ đó sẽ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp trong các chương trình quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và đặc biệt là thị trường nước ngoài. Việc xây dựng khung pháp lý cho định giá thương hiệu, cần được nhanh chóng hoàn thiện để các doanh nghiệp có thể khai thác tối đa sức mạnh thương hiệu của mình trực tiếp và gián tiếp trong các tình huống cạnh tranh, phát triển hoặc mua bán sáp nhập cũng như phát hành lần đầu ra công chúng (IPO)...
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)