Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trạm thu phí hoàn vốn cho dự án tuyến tránh Biên Hòa (đặt tại xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) có mức phí cao hơn nhiều trạm khác nên kiến nghị giảm giá vé. Trong khi trạm cầu Đồng Nai, trạm Quốc lộ 1K, trạm Quốc lộ 51 thu 10.000 - 20.000 đồng/lượt đối với ô tô dưới 12 chỗ, trạm thu tuyến tránh Biên Hòa là 35.000 đồng...

Đồng Nai kiến nghị di dời, giảm giá nhiều trạm thu phí BOT - Hình 1

Tài xế sử dụng tiền lẻ khi quan Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà

Dự án nâng cấp, mở rộng một số đoạn qua thị trấn Quốc lộ 20 được Bộ GTVT triển khai theo hình thức BOT. Dự án này sử dụng trạm Bảo Lộc (Lâm Đồng) và trạm Định Quán (huyện Định Quán, Đồng Nai) để thu phí hoàn vốn. Tháng 9/2013, trước sự phản ứng của người dân, chủ đầu tư di dời trạm Định Quán về huyện Tân Phú (Đồng Nai), cách vị trí cũ 20 km.

Đồng Nai kiến nghị di dời, giảm giá nhiều trạm thu phí BOT - Hình 2

Kẹt xe xảy ra khi tài xế sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm

Liên quan đến Trạm thu phí tuyến tránh Biên Hoà, sáng ngày 12/9, các tài xế lại sử dụng tiền lẻ để trả phí khi đi qua trạm để phản đối việc trạm thu phí này nằm sai vị trí.

Nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 500, 200 đồng, thậm chí là tiền xu để... mua vé qua trạm. Việc này khiến cho thời gian qua trạm của các phương tiện kéo dài ra, gây nên cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Trạm thu phí đã huy động người để phụ nhân viên bán vé thu tiền và điều tiết giao thông, nhưng vẫn không giải quyết được tình hình nên buộc phải xả trạm để giải tỏa giao thông.

Đồng Nai kiến nghị di dời, giảm giá nhiều trạm thu phí BOT - Hình 3

Chủ đầu tư buộc phải xả trạm để đảm bảo giao thông qua BOT tuyến tránh Biên Hòa

Trước đó, ngày 9/9, tài xế từ Đồng Nai, TP. HCM, Bình Dương, đã cùng sử dụng tiền lẻ để thanh toán khi đi qua trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa. Đây là thời điểm xe chở công nhân trên địa bàn huyện Trảng Bom hoạt động khiến cho tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 1 trở nên nghiêm trọng.

Được biết, tuyến tránh TP. Biên Hòa, do Công ty CP đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) dài hơn 12 km, tổng vốn cùng với đoạn cải tạo 10 km Quốc lộ 1 là 1.500 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng năm 2014.

Hải Dương - Nguyễn Lánh