Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện 3 chương trình MTQG trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức lớn hơn. Song với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
Nổi bật là: Toàn tỉnh có thêm 6 đơn vị cấp huyện, 52 xã, 177 thôn, bản miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26 xã và 459 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 492 sản phẩm OCOP được công nhận.
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 còn 3,52%, bình quân giai đoạn 2022-2023 (theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025) giảm 1,62%/năm, cao hơn mục tiêu kế hoạch (1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 11,05%. Thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung cả tỉnh, cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ốn định dân cư, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết nối với các vùng; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiều số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, xóa bỏ dần hủ tục; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại buổi làm việc, hai tỉnh đã chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Trong đó, một số nội dung đã được hai tỉnh quan tâm trao đổi như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và cụ thể hóa các cơ chế, chính sách trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG; tình hình phân bổ, sử dụng, giải ngân các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang và Phó Chủ tích UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn đều bày tỏ vui mừng được làm việc trao đổi về những kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình MTQG ở hai tỉnh.
Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND hai tỉnh nhấn mạnh, Thanh Hóa - Quảng Nam là hai tỉnh có nhiều điểm tương đồng và có mối quan hệ gắn bó keo sơn, nghĩa nặng tình sâu. Hằng năm, hai tỉnh và các huyện, thị xã kết nghĩa đã thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời động viên, giúp đỡ nhau mỗi khi gặp thiên tai, bão lụt...
Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND hai tỉnh đã thông tin một số nét khái quát về tình hình kinh tế - xã hội của hai tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam trong thời gian qua và một số kinh nghiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mong muốn những chia sẻ thiết thực về phương thức, cách làm cụ thể, hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam sẽ tiếp tục kết nối và hỗ trợ nhau trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình MTQG hiệu quả hơn. Đồng thời, mong muốn trong thời gian tới huyện Phước Sơn (Quảng Nam) kết nghĩa với 1 địa phương của tỉnh Thanh Hóa nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó keo sơn của hai địa phương, hai tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ tổ chức đoàn công tác thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam trong thời gian sắp tới.
Khánh An