Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam Cao Anh Tuấn khẳng định ngành Thuế Việt Nam đã và đang đẩy mạnh cải cách mở rộng cơ sở thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR là hội nghị dành cho cấp lãnh đạo cao nhất của các cơ quan quản lý thuế thuộc thành viên khối SGATAR.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để các thành viên SGATAR thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa các cơ quan quản lý thuế, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác quản lý thuế tầm khu vực. Đây là lần thứ 51 Hội nghị cấp cao SGATAR thường niên được tổ chức do cơ quan Thuế Malaysia chủ trì.
Hội nghị năm nay các nước thành viên tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong quản lý thuế của SGATAR và cập nhật, trao đổi những kinh nghiệm phát triển thuế quốc tế. Trong đó, nội dung cải cách thuế được hầu hết các quốc gia nhận định là một trong những chính sách khó khăn và mang tính chính trị cao nhất trong quá trình thực hiện đối với Chính phủ các nước, đặc biệt khi mục tiêu của cải cách mở rộng cơ sở thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hiện, công tác quản lý thuế tại các quốc gia đang tiếp tục có những bước phát triển nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đồng thời hướng tới mục tiêu tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội. Như vậy, ngày càng có nhiều mối quan tâm trên toàn cầu trong việc xác định các tiếp cận tốt nhất để đảm bảo huy động nguồn thu hiệu quả và vai trò của thuế trong việc xây dựng một quốc gia, nâng cao năng lực của quốc gia và các mối quan hệ xã hội đã luôn nhận được mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, hai năm qua là thời gian hết sức khó khăn và thách thức với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, khi phải đối mặt với đại dịch COVID-19, ảnh hưởng toàn diện đến các hoạt động kinh tế - xã hội. Điều này đã trực tiếp làm ảnh hưởng đến việc không thể tổ chức Hội nghị SGATAR vào năm 2020 và năm 2021 vì vậy phải tổ chức trực tuyến.
Theo đó, tại Hội nghị lần này, Tổng cục Thuế Việt Nam chia sẻ những thông tin cập nhật về những điều chỉnh gần đây trong quản lý thuế, cải cách thuế tại Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Để triển khai những chính sách phù hợp, thích ứng linh hoạt với tình hình mới, nhằm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19, vừa song song với đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam nói chung và cơ quan Thuế Việt Nam nói riêng đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhằm giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển, đặc biệt là tập trung thực hiện cải cách, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế.
Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn chia sẻ, bên cạnh việc tiếp tục cung cấp dịch vụ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử đạt trên 99% đối với doanh nghiệp, thời gian qua, cơ quan Thuế Việt Nam tiếp tục thực hiện điện tử hóa tất cả các khâu trong quy trình quản lý thuế; rà soát, cắt giảm số thủ tục hành chính thuế, từ 304 thủ tục (năm 2020) xuống còn 234 thủ tục năm 2022 (giảm 60 thủ tục).
Bên cạnh đó, việc triển khai thành công hóa đơn điện tử trên toàn quốc, đến nay, các giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ đều được xuất hóa đơn theo phương thức điện tử. Việc triển khai thành công hóa đơn điện tử sẽ góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp và phương thức quản lý của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng; đẩy mạnh sự phát triển thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới, mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội như tiết kiệm chi phí, tài nguyên, nguồn lực và bảo vệ môi trường.
Với việc đưa vào vận hành ứng dụng Etax Mobile từ tháng 3/2022, ngành Thuế đã hỗ trợ người nộp thuế, đặc biệt đối với người nộp thuế là cá nhân có thể thực hiện việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế hoàn toàn trên môi trường điện tử thông qua thiết bị di động thông minh như điện thoại, Ipad mà không phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giúp tiết giảm chi phí đi lại cho người nộp thuế (đến nay số tiền giao dịch nộp vào ngân sách nhà nước qua ứng dụng này đã đạt trên 300 tỷ đồng).
Đồng thời, cũng từ tháng 3/2022, cơ quan thuế Việt Nam đã đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam đăng ký, kê khai, nộp thuế vào ngân sách nhà nước Việt Nam ở bất cứ đâu trên thế giới. Đến nay, qua 6 tháng triển khai, số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp qua Cổng này đã đạt trên 50 triệu USD, các nhà cung cấp lớn như: Google, Meta (Facebook), TikTok, Netfix, Apple... cũng đều đã đăng ký và khai, nộp thuế đối với thu nhập phát sinh từ Việt Nam.
Một điểm nổi bật, đó là việc ngành Thuế Việt Nam đã triển khai cơ cấu tổ chức bộ máy cơ quan thuế các cấp và tinh giảm từ 711 Chi cục Thuế năm 2019, đến nay xuống còn 413 Chi cục Thuế (giảm 298 Chi cục Thuế); đồng thời giảm gần 2.800 đầu mối cấp phòng, đội thuế so với năm 2015; số lượng biên chế công chức, viên chức, người lao động cũng tinh giảm gần 16% so với năm 2015.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế, rà soát, xắp sếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế từ trung ương đến địa phương. Vì vậy, mặc dù dịch bệnh Covid-19 tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội, nhưng số thu ngân sách của cơ quan thuế Việt Nam vẫn duy trì ổn định và có sự tăng trưởng nhất định: số thu năm 2020 tăng 1,4% so với năm 2019; số thu năm 2021 tăng 3,6 % so với năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đạt được sự phục hồi và tăng trưởng, số thu ngân sách cũng đạt mức tăng mạnh, lên đến 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Một nội dung quan trọng được Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu giới thiệu tại Hội nghị SGATAR, đó là việc vừa qua, cơ quan Thuế Việt Nam đã hoàn thành xây dựng “Chiến lược cải cách hệ thống Thuế Việt Nam đến năm 2030” và đã được Chính phủ Việt Nam phê duyệt (Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030).
Với chiến lược quan trọng này, ngành Thuế Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá, số hóa toàn diện công tác quản lý thuế tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp. Từ đó hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế của Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam.
Theo đó, trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: (1) Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; (2) Nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; (3) Công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số. Đây là kim chỉ nam để ngành Thuế Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa lấy người nộp thuế làm trung tâm để phục vụ.
“Một điểm xin chia sẻ với Hội nghị, đó là mặc dù tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, nhưng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thích ứng an toàn, đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế. Tôi tin tưởng rằng, Hội nghị SGATAR 51 ngày hôm nay là một cơ hội tốt để chúng ta chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm giữa các quốc gia và cùng giải quyết những thách thức về thuế trong thời gian tới” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam Cao Anh Tuấn nhấn mạnh.
Thành viên SGATAR bao gồm các cơ quan quản lý thuế của 18 nước/vùng lãnh thổ gồm: Australia, Trung Quốc, Hồng Kông, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam, Macao, Mông Cổ, Papua New Guinea, Campuchia và Lào.
Minh Anh