Cùng dự có đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Vĩnh Phúc có các đồng chí: Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Kim Khải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 3 năm qua, việc ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND và UBND trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện đúng quy định, tính hiệu lực và hiệu quả của quyết định được nâng cao đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tập thể và cá nhân. Theo đó, Vĩnh Phúc có 85 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện, trong đó, 86,6% có liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; số quyết định hành chính trái pháp luật bị Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ chiếm trên 17,3%.
Thực hiện việc thi hành án hành chính liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND, từ ngày 01/10/2014 đến 30/9/2017, các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh cũng đã nhận và tổ chức thi hành 80 bản án, quyết định hành chính được chuyển giao từ tòa án cùng cấp. Trong đó, có 60 quyết định đình chỉ vụ án do đương sự tự nguyện rút đơn và do hết thời hiệu khởi kiện; 7 bản án bị tòa bác đơn khởi kiện; 7 bản án tòa chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện và 6 bản án được chấp nhận một phần.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và các ngành đã giải trình, làm rõ những nội dung Đoàn giám sát quan tâm trong quá trình chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính, giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính của Chủ tịch, UBND tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Luật Tố tụng hành chính; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong giải quyết các vụ án hành chính đối với UBND các cấp và cơ quan tổ chức. Các bộ, ngành liên quan tiếp tục đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014; tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về công tác thi hành án hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Nhấn mạnh thời gian qua, việc ban hành các quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, nhất là còn để những vụ việc khiếu kiện kéo dài nhiều năm chưa giải quyết được. Đồng chí Nguyễn Văn Trì khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện báo cáo theo ý kiến tham gia góp ý của các đại biểu, gửi Đoàn giám sát trước ngày 15/4.
Ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Vĩnh Phúc trong việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND. Đồng chí Nguyễn Văn Luật đề nghị tỉnh tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về Luật Tố tụng hành chính trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời, tăng cường giao quyền, trách nhiệm cho Tổ giúp việc của UBND các cấp để thực hiện nhiệm vụ; làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác xét xử án hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, kịp thời nghiên cứu các hồ sơ hành chính để có những kháng nghị kịp thời.
Đoàn giám sát cũng tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh; đồng thời khẳng định sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của địa phương, tổng hợp trình lên cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Bích Phượng