Công ty Synergie Cad Việt Nam cho biết, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 xây dựng lắp đặt dây chuyền với mức đầu tư 21 triệu USD, doanh nghiệp sẽ lắp thêm dây chuyền nữa với mức đầu tư hơn 2 triệu USD, dự kiến vào tháng 6/2023.

Ông Alexandre LIBRATI - Giám đốc Khu vực Công ty Synergie Cad Việt Nam cho biết: "Ở giai đoạn 1 công suất của chúng tôi là 5.000 chiếc bo mạch/năm, giai đoạn 2 xong sẽ tăng gấp đôi năng suất lên 10.000 chiếc/năm. Chúng tôi sẽ hoàn tất đầu tư giai đoạn thứ 3 vào năm 2024".

Còn Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng cho biết, nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong năm tới, cung cấp các loại băng dính cho nhiều ngành công nghiệp quan trong như ô tô, điện tử. Với công suất khoảng 40 triệu m2 băng dính mỗi năm, doanh nghiệp sẽ tạo nguồn cung đáng kể cho ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

"Khi cân nhắc lựa chọn đặt nhà máy ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định. Rất nhiều đối tác, khách hàng của chúng tôi đã hoạt động ở Việt Nam", ông Dirk Hartmann - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng cho biết.

Theo Eurocham 68% doanh nghiệp Châu Âu cho rằng, Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI từ Châu Âu bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính, 53% doanh nghiệp cho rằng cần cải thiện cơ sở hạ tầng.

Eurocham cũng cho biết năng lượng tái tạo, chế biến chế tạo công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển là những lĩnh vực doanh nghiệp Châu Âu sẽ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam trong năm tới. Vì vậy, ngoài cải thiện thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một bài toán mà Chính phủ Việt Nam cần chú trọng để thu hút dòng vốn FDI chất lượng trong thời gian tới.

Trúc Mai (t/h)