Bộ Công Thương cho biết tính đến ngày 16/4, cả nước hiện có 47 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế, với năng lực sản xuất tối đa 25,5 triệu chiếc/ngày, trong trường hợp đủ nguyên liệu sản xuất.
Sản xuất khẩu trang hiện đang được xem là một trong những giải pháp xoay chuyển tình thế của các doanh nghiệp dệt may sau khi bị nhiều đối tác Mỹ, EU hủy hợp đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và nhiều doanh nghiệp nhỏ còn bị chôn vốn vì tồn đọng khẩu trang vải.
Nhiều doanh nghiệp tồn đọng khẩu trang.
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đối với ngành dệt may vào cuối tháng 3, Hiệp hội Dệt may VN (Vitas) nhận định hai thị trường lớn nhập khẩu dệt may của Việt Nam là Mỹ, EU, chiếm lần lượt 50% và 12% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, đã rơi vào khủng hoảng dịch bệnh, khiến nhu cầu mua sắm tại hai thị trường này đột ngột suy giảm mạnh. Điều đó dẫn đến việc các nguồn cầu dệt may Việt Nam, trong đó các nhãn hàng lớn đều có động thái dừng cắt tất cả các đơn hàng, đóng cửa hệ thống bán hàng trong tháng 3 - 4 và dự kiến kéo dài đến tháng 6/2020.
Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là sau các thông báo dừng đặt hàng, hoàn toàn không có hỗ trợ gì cho DN dù họ đã đổ tiền mua nguyên phụ liệu. Ước tính sơ bộ, lượng khẩu trang vải thừa của một DN khoảng 3 - 5 triệu cái.
Ước tính có khoảng 70% DN trong ngành đã giảm việc cho công nhân trong tháng 3, nhưng đến 80% DN sẽ cắt giảm lao động trong tháng 4 và tháng 5 này. Ảnh hưởng về tài chính đến tháng 6 đối với toàn ngành dệt may là khoảng 12.000 tỷ đồng.
Công ty Việt Thắng Jean cho biết đơn hàng đã giảm đến 90% khi các đối tác từ Mỹ, EU tạm ngừng nhận đơn hàng, chỉ còn khoảng 10% là do công ty có bán tại thị trường nội địa. Được biết, doanh nghiệp này đã chuyển hẳn 1 trong số 3 nhà máy sản xuất truyền thống sang may khẩu trang vải để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trước đó, ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19. Tại thị trường nội địa, khẩu trang liên tục cháy hàng, do đó doanh nghiệp tận dụng nguồn lực sẵn có để bắt tay vào việc may khẩu trang. Thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng với những tín hiệu khả quan từ các đơn đặt hàng khẩu trang của châu Âu, Mỹ... với doanh nghiệp Việt Nam.
Cụ thể, trong tháng 3 và tháng 4/2020, Dệt kim Đông Xuân đưa ra thị trường từ 5 - 7 triệu chiếc khẩu trang thuộc dòng sản phẩm mẫu mới này.
Tổng công ty May 10 cũng nhập cuộc với 8 dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế có công suất lên đến 900.000 chiếc/ngày, tương đương 27 triệu khẩu trang y tế/tháng...
Tâm An