Khẳng định chỗ đứng trên thị trường

Trong chương trình đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến việc hình thành, phát triển các DN, doanh nhân và coi đó là lực lượng chủ lực phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế.

Cùng với đường lối đổi mới, các chính sách phát triển kinh tế, Luật Đầu tư nước ngoài, Luật DN, quỹ hỗ trợ DNNVV… đi vào cuộc sống, đã góp phần thúc đẩy các DN thuộc mọi thành phần kinh tế ra đời và ngày càng phát triển nhanh về số lượng, rộng về quy mô, phong phú về các loại hình và hoạt động ngày càng có hiệu quả.

Từ lúc các DN Việt Nam chỉ gói gọn phạm vi hoạt động trong lãnh thổ Việt Nam, đến nay, việc giao thương quốc tế giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài đã trở thành chuyện bình thường trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tích cực và chủ động trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một yếu tố thực sự tích cực, bởi lẽ, để hội nhập quốc tế thành công, thì DN có vai trò như một đầu tàu dẫn dắt cả đoàn tàu đi tới đích đúng hướng và an toàn.

Rõ ràng, ra đời và phát triển chưa lâu, nhưng các DN Việt Nam đã thực sự phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt thích ứng với điều kiện hội nhập, sự tự tin và ý chí kinh doanh cao, mang lại những kết quả tích cực, rất đáng khích lệ. Trong đó, một số DN đã khẳng định được uy tín, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.Chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định rằng, các DN Việt Nam đang và sẽ trở thành đội quân chủ lực trong sự nghiệp phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Các DN, doanh nhân là lực lượng chủ lực phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tếCác DN, doanh nhân là lực lượng chủ lực phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế

Giờ đây, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực. Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của DN, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của DN, doanh nhân vào mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, đất nước. Nếu tính bình quân mỗi DN, HTX có từ 2 - 3 doanh nhân lãnh đạo và mỗi hộ kinh doanh, trang trại có 1 doanh nhân, thì đội ngũ doanh nhân cả nước đã có hơn 2,5 triệu người. Nếu tính trong tổng số 3 triệu chủ hộ kinh doanh hoạt động trong khu vực phi chính thức, thì ở nước ta đã có hơn 5 triệu doanh nhân.

Doanh nhân đóng vai trò quyết định trong việc huy động các nguồn lực tạo ra sản phẩm và dịch vụ cho xã hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của đất nước… 

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức WTO, tham gia hàng loạt hiệp định tự do thương mại, trong đó phải kể đến các hiệp định CPTPP, EVFTA…, các DN Việt Nam phải đối mặt với các đối thủ mới (các công ty xuyên quốc gia, đa quốc gia có tiềm lực tài chính, công nghệ, kinh nghiệm và năng lực cạnh tranh cao), phải cạnh tranh quyết liệt trong điều kiện mới (thị trường toàn cầu với những nguyên tắc nghiêm ngặt của định chế thương mại và luật pháp quốc tế).

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận không nhỏ doanh nhân Việt Nam chưa được đào tạo bài bản, chưa có bề dày kinh nghiệm thương trường; thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, thiếu tính liên kết, hợp tác bền vững để tạo sức mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Một số DN, doanh nhân thiếu trách nhiệm với người lao động; nợ BHXH, không chú ý đến an toàn toàn lao động, VSATTP và đời sống tinh thần của người lao động. Nhiều DN sử dụng lãng phí, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ảnh hướng lớn đến môi trường...

Từ những hạn chế, bất cập đó, có thể nói, các DN Việt Nam tiếp tục phải đối mặt không ít khó khăn và thách thức.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia nhận định, để thực sự trở thành lực lượng chủ lực phát triển KT-XH và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, DN Việt Nam cần phải vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, có những khó khăn đến từ những hạn chế của chính DN, có những khó khăn do điều kiện ngoại cảnh tác động. Trên cơ sở đó, cần triển khai một số biện pháp sau.

Trước hết, Nhà nước tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, công khai minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển KT-XH, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển. Nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về sở hữu, quyền kinh doanh, tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh.

Tiếp tục cải cách TTHC, bảo đảm các cơ quan và người thi hành công vụ hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nhân. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.

Xây dựng hệ thống các biện pháp hỗ trợ doanh nhân tham gia khu vực kinh doanh chính thức, mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN, chú trọng phát triển doanh nhân ở khu vực nông thôn. Khuyến khích hoạt động liên kết, mua bán và sáp nhập DN và áp dụng các biện pháp phù hợp để tăng nhanh số lượng DN có quy mô vừa; thúc đẩy hình thành và phát triển một số DN lớn, đủ sức thực hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ các DNNVV tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Ðề cao văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dựng quy chế và hướng dẫn, quản lý hoạt động tôn vinh khen thưởng DN, doanh nhân, bảo đảm hiệu quả thiết thực.

Phát huy vai trò của hệ thống các tổ chức đại diện của cộng đồng DN và đội ngũ doanh nhân, hướng dẫn, hỗ trợ việc thành lập và liên kết hiệp hội DN; mở rộng hoạt động vận động chính trị trong giới doanh nhân; tập hợp và phản ánh nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của doanh nhân, tham mưu lãnh đạo Ðảng và Nhà nước về các chính sách KT-XH; thực hiện các biện pháp thúc đẩy phát triển DN, doanh nhân.

Các DN cần có ý thức nâng cao trình độ học vấn, các kiến thức chuyên ngành, kiến thức văn hóa, kinh tế, pháp luật và xã hội… Doanh nhân - những người chủ DN, phải không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của DN mình; tìm hiểu những kiến thức mới, những ứng dụng KH-KT và công nghệ để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí.

Cùng với đó, tự thân mỗi doanh nhân, cần chủ động trang bị đầy đủ các kiến thức về tài chính - kế toán, quản trị DN, quản lý nhân sự, hiểu biết về kinh tế phát luật, văn hóa - xã hội, văn hóa DN…; thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, trau dồi những kỹ năng cần thiết để có đủ sức “đứng vững” và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường…   

Điều quan trọng nhất đó là mỗi DN và người chủ - doanh nhân, để tồn tại và phát triển trong thời đại toàn cầu hóa, cần nhìn nhận một cách thấu đáo những hạn chế của chính mình, từ đó từng bước hoàn thiện năng lực cạnh tranh quốc tế trong thời đại CMCN 4.0, kinh tế số.

Linh Tuệ