Ngày 3/10, UBND TPHCM đã tổ chức tọa đàm “Khôi phục và phát triển kinh tế TPHCM trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay”. Buổi tọa đàm có sự đại diện của các sở-ngành, chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh kinh tế thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, đây là lần đầu tiên kinh tế thành phố tăng trưởng dưới 1,2%, lần đầu tiên có trên 27.000 doanh nghiệp giải thể và tạm ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm hơn 140.000 tỷ đồng, làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố hơn 21.000 tỷ đồng. Trong đó, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hơn 1.300 doanh nghiệp lữ hành của thành phố bị sụt giảm số lượng hành khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa, kéo theo hàng loạt những tác động xã hội khác, nhất là tình trạng thất nghiệp đối với người lao động.
Doanh nghiệp chỉ hấp thụ khoảng 20% các gói hỗ trợ
Tại buổi tọa đàm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết, Hội đã tiến hành một khảo sát vào giữa tháng 8, nhìn chung cho đến thời điểm này, doanh nghiệp TP.HCM đã hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, mức hoạt động bình thường chỉ chiếm 5%, 9% cho biết là đang cố gắng vượt khó khăn, 40% đang khó khăn nghiêm trọng và 40% là rất khó khăn. Khảo sát cũng cho kết quả có đến 84% doanh nghiệp ở dạng khó khăn. Trong đó, 40% cho biết thiếu vốn, 14% khó vì bị đứt gãy chuỗi cung ứng doanh nghiệp, 88% doanh nghiệp đã thu hẹp thị trường, 52% doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động…
Có tới 76% DN cho biết chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ này của nhà nước. Chỉ có 10% DN đã tiếp cận ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay... 5% DN tiếp cận tạm ngừng đóng hưu trí, chưa có DN nào được gói vay lãi suất 0%.
“Hầu hết DN không tiếp cận được gói vay hỗ trợ để trả lương lao động, vì DN lo thủ tục để vay được gói này còn khó hơn vay bình thường. Ngân hàng chủ yếu cho vay khách hàng quen, còn khách hàng mới rất ít. Trông chờ lớn nhất của DN là được “bơm máu” từ ngân hàng, các điều kiện cần thuận lợi hơn. Chính sách chưa thể hiện chia sẻ rủi ro cùng DN, chậm và không hát huy được các tác dụng. Các gói chỉ hấp thụ được khoảng 20%” – ông Dũng cho biết.
Ông Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển TP cho rằng, các gói chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa bám sát thực tế, các thủ tục hành chính quá chậm so với diễn biến kinh tế. Đồng ý kiến của các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm, hiện chi phí đăng ký gói hỗ trợ cao hơn số tiền được nhận, khiến đa số doanh nghiệp không chọn gói hỗ trợ. Trong khi, thủ tục hành chính, chính sách ưu đãi thì chưa mở, chưa tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi khi vay vốn ngân hàng. Hầu hết các ngân hàng chỉ cho vay với các đối tượng thường niên, khách hàng quen biết. Các khách hàng mới sẽ khó tiếp cận do mức độ rủi ro cao. Thực tế cho thấy, các gói hỗ trợ chưa thực sự phù hợp nhu cầu, chưa theo sát doanh nghiệp, chưa mang tính chất thời chiến và hiệu quả hỗ trợ chưa cao.
Thiên Trường