Chính phủ cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) với 4 nguyên tắc cơ bản.Chính phủ cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) với các nguyên tắc cơ bản (Ảnh minh họa)

Vướng mắc trong tiếp cận

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo cập nhật về chính sách hỗ trợ của các nước trong bối cảnh khó khăn hiện nay cùng những kiến nghị đối với Việt Nam.

Báo cáo cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2020, kinh tế - xã hội thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, với làn sóng thứ hai, thậm chí thứ ba ở một số nơi. Kinh tế thế giới năm 2020 dự báo suy thoái sâu (tăng trưởng âm 4-6%) trước khi có thể phục hồi (tăng trưởng khoảng 3-3,5% năm 2021, theo dự báo của các tổ chức quốc tế).

Đến nay, Chính phủ đã có 4 gói hỗ trợ (tổng giá trị thực – tức là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các TCTD cam kết bỏ ra ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019), bao gồm:

Gói hỗ trợ tài khóa với giá trị ước tính 73,1 nghìn tỷ đồng (1,2% GDP) theo Nghị quyết 41 (tháng 4/2020): gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (khoảng 69,3 nghìn tỷ đồng) và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (khoảng 180 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng). Tổng số tiền đã thực hiện tính đến tháng 8/2020 khoảng 66.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% quy mô gói hỗ trợ.

Gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng giá trị ước tính 36,6 nghìn tỷ đồng (0,6% GDP) bao gồm: phần giảm lãi suất khi các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay mới với lãi suất ưu đãi (giảm 1-2,5%/năm so với thông thường) với quy mô cam kết khoảng 600 nghìn tỷ đồng, các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà vẫn giữ nguyên nhóm nợ (không tính lãi phạt); miễn, giảm lãi (giảm 0,5-1,5% cho các khoản vay hiện hữu bị ảnh hưởng); miễn, giảm phí, nhất là phí thanh toán và một số phí dịch vụ khác…

 Các khoản hỗ trợ này dẫn đến giảm lợi nhuận trước thuế (giảm 20-25%) cả năm 2020 của các TCTD và giảm thu ngân sách tương ứng. Song song với đó, NHNN cũng đã 2 lần giảm các lãi suất điều hành, giúp các TCTD có điều kiện giảm lãi suất. Theo NHNN, đến ngày 13/7/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247.000 khách hàng.

Gói an sinh - xã hội: Thực tế có giá trị khoảng 45,8 nghìn tỷ đồng (0,8% GDP), chứ không phải 62 nghìn tỷ đồng (do chi phí của gói hỗ trợ cho vay trả lương về bản chất chỉ là phần tiền lãi không tính do lãi suất là 0% khoảng 390 tỷ đồng); đến hạn, doanh nghiệp vẫn phải trả lại phần tiền gốc đã vay. Tính đến ngày 13/7/2020, đã thực hiện giải ngân khoảng 12 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ 11,5 triệu người và 12.000 hộ kinh doanh. Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm; trong đó, gói 16.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được.

Các gói hỗ trợ khác với tổng giá trị 26 nghìn tỷ đồng (0,43% GDP) bao gồm gói hỗ trợ giảm 10% giá điện của EVN trị giá 10.900 tỷ đồng và gói hỗ trợ giảm giá dịch vụ viễn thông trị giá trị 15.000 tỷ đồng. Đến hết ngày 30/6/2020, EVN đã giảm giá, giảm tiền điện cho 26,79 triệu khách hàng với tổng số tiền 6.800 tỉ đồng (62,4%). Đối với gói giảm giá dịch vụ viễn thông, hiện chưa có thông tin công bố kết quả thực hiện cụ thể.

Như vậy, có thể thấy trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục.

Bốn kiến nghị đối với việc triển khai gói hỗ trợ

Qua quan sát cách thức thiết kế và thực hiện các chính sách, gói hỗ trợ của các nước; TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV có bốn kiến nghị đối với Việt Nam.

Một là, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại, như đã được nhận diện trong thời gian qua.

Hai là, Chính phủ cũng cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung (giai đoạn 2) với 4 nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp (có thể từ quý 4/2020 đến hết năm 2021) mới có thể giúp người dân, doanh nghiệp vượt khó.

Theo tính toán sơ bộ, các chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhận thấy, các gói hỗ trợ giai đoạn 2 có thể tương đương các gói giai đoạn 1, khoảng 2,5% GDP; như vậy tổng các gói hỗ trợ cả hai giai đoạn khoảng 5,5% GDP. Cần đảm bảo độ bao phủ đến cả lao động không chính thức (tự do) vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đến cả doanh nghiệp nhỏ và lớn vì cả hai đều chịu tác động tiêu cực (với tiêu chí hỗ trợ như nêu dưới đây). Cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, trên cơ sở đánh giá, khảo sát nhanh tác động của dịch Covid-19 đến ngành, nghề cụ thể và có điều kiện, tiêu chí cụ thể. Thứ tư, phải triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau (trong đó, hết sức chú trọng ứng dụng CNTT như dịch vụ Mobile money, ví điện tử…) mới đảm bảo chính sách nhân văn sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần đề xuất có cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.

Ba là, về lựa chọn ngành nghề, lĩnh vực để ưu tiên hỗ trợ; qua đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với các ngành nghề trong 8 tháng đầu năm 2020, Nhóm chuyên gia nhận thấy những ngành nghề chịu tác động tiêu cực theo thứ tự giảm dần, đó là: du lịch; vận tải; dệt may, da giày; bán lẻ; giáo dục – đào tạo. Về điều kiện/tiêu chí doanh nghiệp nhận hỗ trợ; Chính phủ có thể căn cứ ít nhất vào 5 tiêu chí chủ yếu, bao gồm: tính lan tỏa (tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác), lao động (tạo nhiều công ăn việc làm), có khả năng áp dụng công nghệ và năng lượng sạch, có khả năng phục hồi, và cam kết không sa thải nhân viên (hoặc không quá 10%).

 Bốn là, song song đó, Chính phủ cũng cần thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp khác mang tính bổ trợ và dài hạn khác: Nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ khẩn cấp (cho cả thiên tai và dịch bệnh với cơ chế đặc thù, đảm bảo nhanh, kịp thời, hiệu quả); Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thực chất hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; nhất là về thủ tục hành chính (kể cả đối với các gói hỗ trợ), tăng cường ứng dụng CNTT nhằm tăng tốc độ xử lý công việc; Ban hành chính sách và giải pháp cụ thể để thu hút dòng vốn FDI trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi sản xuất (nhất là các giải pháp về thủ tục hành chính, hạ tầng KCN, nguồn nhân lực, và phân cấp ủy quyền trong tiếp cận, thu hút có chọn lọc các dự án FDI…);

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020-2021 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn, với điều kiện không hình thức, không giải ngân bằng mọi giá mà vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng; Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Hoa Kỳ và EU, và tận dụng tốt hơn nữa các hiệp định CPTPP và EVFTA; và Đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.

 Việt Anh