Những dự án của ngành công thương gây bức xúc...
Đến hết năm 2016, Tổng công ty Sông Đà đầu tư vào 8 công ty liên kết với tổng giá trị vốn góp lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.
Thế nhưng cổ tức, lợi nhuận được chia năm 2016 chỉ 9,8 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận được chia trên vốn đầu tư có 0,6%, thua xa mức lợi nhuận nếu đem 1.700 tỷ đồng ấy gửi ngân hàng.
Sông Đà cũng đang gánh khối nợ khổng lồ lên tới trên 12.300 tỷ đồng, gấp hơn 4,6 lần vốn chủ sở hữu (trên 2.600 tỷ đồng). Đáng lo ngại: Quá nửa số nợ vay là ngắn hạn.
Đại diện Sông Đà thừa nhận: Với cơ cấu nguồn vốn hiện tại thì tổng công ty đang sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, hệ số nợ cao dẫn đến rủi ro cao, tính độc lập của đơn vị với các chủ nợ thấp, do đó sẽ bị ràng buộc nhiều hoặc bị sức ép của các khoản nợ vay.
Sông Đà cũng chính là cái tên 5 năm về trước gây “bão” dư luận lúc còn mang danh “Tập đoàn Sông Đà” (gồm 6 tổng công ty: Sông Đà, Lilama, Licogi, Coma, DIC, Sông Hồng - do Tổng công ty Sông Đà làm nòng cốt).
Năm 2012, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm ở Tập đoàn Sông Đà lên tới 10.700 tỷ đồng.
Sau tái cơ cấu, Tập đoàn Sông Đà bị “giáng cấp”, vỡ ra thành từng mảnh, 6 tổng công ty “ai về nhà nấy” trực thuộc Bộ Xây dựng.
Một DN khác từng thuộc “họ Sông Đà” sau tái cơ cấu cũng chẳng khấm khá gì đó là Tổng công ty CP Sông Hồng. Như báo chí phản ánh, Bộ Tài chính mới đây đã phát đi cảnh báo về tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất, kinh doanh năm 2016 của Sông Hồng. Tính đến hết năm 2016, lỗ lũy kế của DN này lên tới gần 390 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu hơn 63 tỷ đồng.
Đến hết năm 2016, Sông Hồng đã rót 205 tỷ đồng vào 28 công ty, thế nhưng cổ tức, lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn 867 triệu đồng (tỷ suất sinh lời đạt 0,42%).
“Hoạt động đầu tư ra ngoài DN của Sông Hồng không hiệu quả, tỷ suất sinh lời thấp”, theo Bộ Tài chính.
Những “tấm gương” Vinashin, Vinalines, Sông Đà, Sông Hồng, 12 dự án kém hiệu quả của ngành công thương… cho thấy hiệu quả của DNNN sau nhiều năm tái cơ cấu vẫn là vấn đề nhức nhối.
Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn: Hiệu quả kinh doanh của một số tập đoàn, tổng công ty giảm sút so với năm 2014; nhiều DN trực thuộc thua lỗ lớn, âm vốn chủ sở hữu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc giải thể. Bên cạnh đó, một số đơn vị hoạt động đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, tiền gửi rủi ro cao, chậm được thu hồi…
Một loạt cái tên được Kiểm toán Nhà nước nhắc đến: Lỗ lũy kế đến 31/12/2015 của nhiều đơn vị thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam còn lớn như Vicem Tam Điệp, lỗ tới 1.156 tỷ đồng…
Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore (Petrolimex) lỗ 1.335 tỷ đồng.
Tổng công ty Du lịch Hà Nội có 4/6 công ty con lỗ lũy kế 256,37 tỷ đồng. Còn Công ty TNHH MTV Thăng Long GTC có 4/8 công ty liên doanh, liên kết, lỗ lũy kế tới 1.616 tỷ đồng…
Những dẫn chứng nêu trên cho thấy, tái cơ cấu DNNN, sau nhiều năm “trống giong cờ mở” vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi.
Tại hội thảo mới đây về chủ đề này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) đánh giá: Tái cơ cấu quản trị DNNN rất mờ nhạt. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN so với giai đoạn trước đây còn nan giải hơn, kém cỏi hơn.
Một trong những nguyên nhân cơ bản được ông Trung chỉ ra là “lợi ích nhóm quá lớn dẫn đến trì hoãn quá trình tái cơ cấu DNNN”.
Ngay cả kế hoạch CPH DNNN, cũng không đạt mục tiêu. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhìn nhận: Văn bản đã quá đầy đủ và quá nhiều rồi. Vấn đề là tái cơ cấu DNNN một cách thực chất, chưa thực hiện được!
Bùi Quyền