Người tiêu dùng lựa chọn mặt hàng tại siêu thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
Người tiêu dùng lựa chọn mặt hàng tại siêu thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Theo thống kê từ Sở Công Thương Thanh Hóa, lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp (DN) sau tết thường tăng từ 20 - 35% so với mức trung bình trong năm, đặc biệt là ở các mặt hàng như thực phẩm, bánh kẹo, đồ uống, may mặc và vật liệu xây dựng. Một số DN sản xuất lớn tại Thanh Hóa đều phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để giảm áp lực hàng tồn kho và đảm bảo cân đối cung cầu.

Nguyên nhân chính dẫn đến hàng tồn kho cao sau tết là sự chênh lệch giữa dự báo nhu cầu và thực tế tiêu dùng. Không chỉ ngành thực phẩm, lĩnh vực may mặc cũng bị ảnh hưởng. Ngành vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài khó khăn chung.

Để giải quyết tình trạng này, các công ty đã chủ động liên hệ với các đại lý phân phối, đồng thời triển khai chính sách chiết khấu hấp dẫn cho các đơn hàng số lượng lớn nhằm giảm bớt lượng hàng tồn trong kho. Song song với đó, công ty cũng điều chỉnh kế hoạch sản xuất, giảm công suất hoạt động trong tháng đầu năm để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung; tăng cường hợp tác với các nhà thầu xây dựng để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Các DN tại Thanh Hóa cũng đã áp dụng nhiều giải pháp để giảm thiểu hàng tồn kho và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Một số DN bán lẻ như hệ thống siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, Go! Thanh Hóa đã bắt đầu triển khai chương trình “Xả hàng tết - Giá sốc” nhằm đẩy nhanh hàng tồn, giúp thu hồi vốn và giảm áp lực kho bãi. Một số DN khác tại Thanh Hóa còn áp dụng công nghệ vào quản lý hàng tồn kho để tối ưu hóa chuỗi cung ứng. 

Nhìn chung, bài toán hàng tồn kho sau tết vẫn luôn là một thách thức đối với các DN tại Thanh Hóa. Tuy nhiên, với những chiến lược quản lý linh hoạt, từ điều chỉnh sản lượng, tối ưu chuỗi cung ứng, đẩy mạnh khuyến mãi đến mở rộng thị trường, các DN hoàn toàn có thể giảm thiểu rủi ro, cân đối cung cầu và duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong những tháng đầu năm.

Khánh An