Cụ thể như sau: Các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA) thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA.
Riêng trong 09 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng mặt trời...
Thời gian qua, nhận thức về các biện pháp PVTM của doanh nghiệp Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể. Nhưng, theo khảo sát của Bộ Công Thương thì có trên 60% các doanh nghiệp đã nắm tương đối vững về các công cụ PVTM này và sẵn sàng chủ động để ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài cũng như sử dụng công cụ PVTM để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
"Yếu tố quan trọng nhất để các doanh nghiệp biết để ứng phó với các biện pháp PVTM cũng như thực hiện các biện pháp của doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình kinh doanh, đàm phán, ký kết hợp đồng, là vấn đề nhận thức. Vì các quy định về PVTM là vấn đề phức tạp nhưng lại được sử dụng tương đối phổ biến, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Hoa Kỳ, Úc, EU… Chính vì vậy, Chính phủ, Bộ Công Thương rất coi trọng việc cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp nắm và hiểu rõ các biện pháp PVTM này", ông Lê Triệu Dũng nói.
Cũng theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động liên kết với nhau các biện pháp, đặc biệt là các nỗ lực ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài. Chúng ta chỉ có thể thành công nếu chúng ta có sự hợp sức của doanh nghiệp. Bộ Công Thương cũng đã tập trung vào việc hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng là các đầu mối tổng hợp thông tin, tổng hợp nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cảnh báo sớm; tiếp cận với các doanh nghiệp trong những ngành có nguy cơ và/hoặc bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để cung cấp thông tin, giúp các doanh nghiệp hiểu được quy định, yêu cầu và quy trình điều tra; các công việc doanh nghiệp cần thực hiện; các kịch bản có thể xảy ra đối với ngành.
Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, sau những vụ kiện PVTM với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thời gian qua, ngày càng nhiều doanh nghiệp, ngành hàng có ý thức hơn về vấn đề này.
Nhiều doanh nghiệp đã sớm thích ứng, nhận diện các thách thức, chuẩn bị phương án, giải pháp với quan điểm chủ động ứng phó. Song, doanh nghiệp cũng cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tránh tập trung khối lượng lớn vào một thị trường, có thể tạo cơ sở để các nước khởi kiện. Đồng thời, cần phát triển các chuỗi cung ứng, nguồn nguyên liệu trong nước, giảm thiểu các tác động tiêu cực do những biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu.
Công Huy (t/h)