ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội nghị
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội nghị

Ngày 02/03/2023, tại thành phố Hải Dương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và UBND 04 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, đã tổ chức Hội nghị đối thoại: “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu tại 04 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên”. 

Hoạt động xuất nhập khẩu được Đảng và Nhà nước xác định đóng vai trò quan trọng với phát triển nền kinh tế - xã hội, là động lực để tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành đã đưa ra rất nhiều nỗ lực nhằm đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập các cơ chế để giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Dù đã đạt được nhiều thành công và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, song thực tế cho thấy doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện các chính sách liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Sự kiện đối thoại được tổ chức ở cấp tiểu vùng với sự tham gia của doanh nghiệp đến từ 04 tỉnh, thành phố gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và Quảng Ninh. Đây là các địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển kinh tế và cũng là khu vực tập trung đông các khu công nghiệp, khu chế xuất và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo ước tính sơ bộ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2022 của các doanh nghiệp trên địa bàn 04 địa phương trên đạt khoảng 46 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, trong hoạt động xuất nhập khẩu, việc tìm hiểu chính sách, pháp luật và tuân thủ thủ tục hành chính giữ một vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp. Chính sách càng thuận lợi, thủ tục hành chính càng tinh gọn sẽ góp phần giảm thời gian và chi phí, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của quốc gia nói chung trên thương trường quốc tế.

Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Chính phủ và các bộ ngành đã có những nỗ lực nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, tăng cường tính minh bạch trong chính sách thương mại, đồng thời thiết lập cơ chế để giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến như việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thông quan, kiểm tra sau thông qua và giám sát hàng hóa; thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật chuyên ngành; và từng bước minh bạch các thông tin thương mại.

Cũng trong những năm gần đây, công tác rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được các bộ ngành từng bước thực hiện. Việc cải cách hoạt động quản lý, kiểm tra chuyên ngành dù còn đối diện những thách thức nhưng đang có sự chuyển biến tích cực hơn qua thời gian, thông qua việc đơn giản hóa danh mục hàng hóa trong diện kiểm tra hay phối hợp liên ngành để loại bỏ những chồng chéo trong thực thi quy định.

Ở cấp địa phương, chính quyền các tỉnh, thành phố cũng có những cố gắng đáng ghi nhận trong cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh. Tất cả các địa phương đều xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Chính phủ, trong đó tiêu biểu là Nghị quyết 19 (giai đoạn 2014-2018) và Nghị quyết 02 (giai đoạn 2019-2023).

“Dù ghi nhận nhiều bước tiến trong chính sách pháp luật và thủ tục hành chính thời gian qua, chúng ta cũng cần nhìn nhận một thực tế rằng, không gian cải thiện vẫn rất lớn, đặc biệt trong khía cạnh cung cấp thông tin, giải đáp các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chính sách pháp luật”, ông Phòng nhận định.

Theo kết quả đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu” do VCCI phối hợp với Tổng cục Hải quan và dự án tạo thuận lợi thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 07/2021, khoảng 38% doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình tìm hiểu thông tin thủ tục hành chính xuất nhập khẩu. Khoảng 24% doanh nghiệp phản ánh tình trạng quy định hoặc chính sách pháp luật thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước tình trạng ấy, việc doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào hoạt động đối thoại, góp ý chính sách là rất quan trọng. Điều này sẽ góp phần tạo ra các quy định pháp luật gắn với thực tiễn, giảm các chi phí tuân thủ và từ đó thuận lợi hóa hoạt động của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Phòng, Hội nghị đối thoại nhằm hướng đến việc thúc đẩy sự tương tác trực tiếp và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu. góp phần thực hiện mục tiêu liên kết kinh tế đã được VCCI cùng UBND của 4 địa phương xây dựng trong Thỏa thuận “Kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông”. Đây là một thỏa thuận quan trọng giúp phát huy các tiềm năng và điều kiện của 4 địa phương nằm trên trục đường cao tốc hướng đông, từ Hà Nội tới Hải Phòng đến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Mô hình liên kết này sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ, xây dựng một khu vực năng động, một điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Sự liên kết của 4 địa phương cũng đồng thời thực hiện chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy các liên kết cấp vùng.

“Sáng kiến: Kết nối kinh tế Trục cao tốc phía Đông” bao gồm 04 tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên:

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã có sáng kiến thực hiện Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông.

Sáng kiến Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông hướng tới việc xây dựng một mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, tạo thành một không gian kinh tế mới có môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng trưởng kinh tế cao và có cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh, tạo ra cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng và khu vực phía Bắc. Mô hình kết nối quy mô gọn chỉ 4 tỉnh, phạm vi chỉ về kinh tế, giai đoạn đầu tập trung vào kết nối, phối hợp các hoạt động cụ thể, với sự điều phối của Hội đồng Vùng và Ban thư ký, có ý nghĩa như một thử nghiệm góp phần thực hiện Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/04/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội”. Thỏa thuận Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông giữa các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và VCCI vào ngày 28/07/2022 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, sau lễ ký kết rất nhiều hoạt động thiết thực đã được phối hợp triển khai ngay nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp.

 

Đoàn Huế