Lĩnh vực bất động sản có khoảng 12 Luật tác động đến thị trường
Mặc dù nhiều động thái thúc đẩy cải cách được các bộ, ngành chức năng tích cực triển khai, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh.
Dù rằng, thời gian qua, các bộ, ban, ngành đã cắt bỏ hàng nghìn điều kiện kinh doanh, nhằm giúp môi trường kinh doanh được tự do, an toàn hơn. Song theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì hiện chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi còn chậm và chồng chéo... Điều này đã và đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam nêu thực tế, riêng lĩnh vực bất động sản có khoảng 12 Luật tác động đến thị trường. “Tuy nhiên, 12 Luật đề ra lại không có luật nào đồng thuận với luật nào, cho nên doanh nghiệp bất động sản nếu theo Luật Đất đai sẽ vướng Luật Đầu tư, theo Luật Đầu tư lại vướng Luật Xây dựng; theo Luật Xây dựng sẽ vướng Luật Quy hoạch… có nghĩa là tất cả những luật đang luẩn quẩn như một mớ bòng bong”, ông Hiệp ví von.
Cùng với đó, một trong những vấn đề đáng lo ngại là doanh nghiệp ít có cơ hội đóng góp ý kiến đối với bản dự thảo cuối cùng của Thông tư, trước khi được ban hành. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, gia tăng áp lực, tăng cường năng lực các cơ quan Trung ương trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là rất cần thiết.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần minh bạch hơn nữa về quy trình xây dựng thông tư, thống nhất các tiêu chí về điều kiện kinh doanh, minh bạch về quy định tiếp nhận phản ánh vướng mắc của doanh nghiệp.
“Cần phải có giải pháp để chống chồng chéo, xung đột pháp luật. Do đó cần phải rà soát, kiểm soát văn bản quy phạm pháp luật - đây phải được coi là giải pháp rất quan trọng. Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội rất tích cực trong hoạt động này, tuy nhiên cần phải tăng cường công khai lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân. Bất kỳ 1 văn bản pháp luật nào cũng cần minh bạch hóa quy trình soạn thảo, công khai hóa quá trình này giúp văn bản pháp luật ít lỗi nhất, phù hợp thực tế nhất. Từ đó sẽ đảm bảo yếu tố chống việc cài cắm, hay quyền lợi riêng của từng bộ, ngành”, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất.
Báo cáo của VCCI khẳng định, trong mấy năm trở lại đây, Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Hệ thống pháp luật kinh doanh có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn. Đặc biệt, các luật lớn có vai trò quan trọng trong khuôn khổ pháp lÝ doanh nghiệp như Luật Đầu tư (2014, 2020), Luật Doanh nghiệp (2014, 2020), Bộ luật Dân sự 2015 thể hiện tư duy cải cách, đột phá mạnh mẽ, tạo tiền đề cho các văn bản pháp luật liên quan “tiếp bước”. Hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp thực hiện liên tục, có những đợt lớn như năm 2016, 2018, 2020 yêu cầu cắt giảm đến 50%, 20% điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy, trong hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, các cơ quan chính sách tập trung nhiều vào các văn bản cấp luật, nghị định. Trong khi đó, với đặc thù của hệ thống pháp luật nước ta, để một quy định có thể thực thi trên thực tế, phụ thuộc lớn vào các quy định tại thông tư, thậm chí là công văn. Vì vậy, có hiện tượng, mặc dù các văn bản cấp luật, nghị định có tinh thần tiến bộ rất rõ, nhưng khi xuống đến đến thông tư, công văn lại nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, khiến tính cải cách của chính sách không phát huy trên thực tế. Thông tư, công văn là cầu nối, chuyển tải các chính sách trong các quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống. Với tính chất này, chất lượng của thông tư, công văn sẽ tác động khá lớn đến hoạt động động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí là tính thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.
Thông tư còn nguy hiểm hơn tham nhũng, vì thông tư chất lượng kém khiến doanh nghiệp không làm được
Báo cáo xác định các vấn đề tồn tại của thông tư, công văn tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh qua đó đưa ra những khuyến nghị để cải thiện hơn chất lượng của các loại văn bản này nói riêng cũng như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói chung.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Ban Pháp chế VCCI, thực tế, thông tư, công văn là cầu nối, truyền tải các chính sách trong các quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc sống. Thậm chí, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp lệ thuộc vào thông tư, theo nghĩa là đợi thông tư để thực thi hơn là trực tiếp tuân thủ các quy định luật, nghị định. "Tuy nhiên, doanh nghiệp ít có cơ hội đóng góp ý kiến đối với phiên bản dự thảo cuối cùng của thông tư trước khi được ban hành, nên đã từng có thông tư vừa được ban hành đã phải tạm ngừng", bà Nguyễn Thị Diệu Hồng lo ngại.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam sau khi liệt kê một loạt thông tư đang "làm khổ" doanh nghiệp đã buộc phải thẳng thắn là thông tư vẫn to hơn nghị định. “Thông tư còn nguy hiểm hơn tham nhũng, vì thông tư chất lượng kém khiến doanh nghiệp không làm được, cản trở doanh nghiệp thì người dân không có việc làm, thì nhà nước làm sao thu được ngân sách. Đáng ra thông tư là thúc đẩy doanh nghiệp làm theo luật, phanh trước doanh nghiệp những vùng cấm”, ông Đệ thẳng thắn.
Đáng lo ngại hơn, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong lĩnh vực bất động sản có 12 luật liên quan, mà không luật nào theo luật nào, nên doanh nghiệp như trong một mớ bòng bong, nhiều cuộc gặp tháo gỡ vẫn chưa xong. Đơn cử, Luật Nhà ở quy định bảo hành là của chủ đầu tư là 60 tháng với nhà chung cư, Luật Xây dựng quy định thời hạn bảo hành tối đa đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1 cũng chỉ tối đa là 24 tháng.
Bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN thông tin, thực tế các doanh nghiệp tham gia góp ý nhiều văn bản, nhưng cũng không biết được tiếp thu thế nào, nhưng khi văn bản ra thì lại không thấy tiếp thu, không thực hiện được, đến mức có trường hợp cơ quan quản lý phải ra công văn để xử lý. “Ở hình thức công văn, nhiều khi doanh nghiệp nhận được mà không biết vận dụng ra sao, vì cách trả lời "liệt kê các quy định hiện có" trong khi doanh nghiệp cần là làm theo quy định nào thì không rõ. Còn có nỗi khổ từ các quy định không tương thích với các quốc gia khác, nên nhiều doanh nghiệp bị phạt, không cho thông quan”, bà Trần Ngọc Ánh lo ngại.
Vân Quỳnh (t/h)