THCL Hàng nghìn điều kiện kinh doanh được quy định tại các thông tư sẽ hết hiệu lực từ 1/7 tới; tuy nhiên, vẫn còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa được “trình làng” (?!). Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn Luật DN và Luật Đầu tư.
Chưa hết… vướng
Theo Bộ KH&ĐT, những vướng mắc phát sinh chủ yếu về kỹ thuật, nghiệp vụ, thái độ và phong cách làm việc của cán bộ công chức...
Đối với Luật Đầu tư (sửa đổi), do quy mô và mức độ đổi mới rất lớn, được thực hiện trên phạm vi rộng, phức tạp, liên quan tới nhiều văn bản pháp luật, nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau, cho nên phát sinh nhiều vướng mắc.
Cụ thể, đang có sự thiếu tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Đầu tư (sửa đổi), Nghị định 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ và các luật, văn bản pháp luật liên quan khác trong thực hiện đầu tư. Những vướng mắc loại này, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở và bất động sản, các ngành dịch vụ chưa mở hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngày 25/4, tại cuộc họp cho ý kiến về tình hình triển khai Luật DN và Luật Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo việc triển khai thi hành 2 luật này nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thêm động lực cho việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Một điều quan trọng nữa là cần phải nâng cao vai trò của tổ công tác thực hiện hai luật này để tăng cường kiểm tra thực hiện, kịp thời phát hiện bất cập, vướng mắc, cửa quyền, cục bộ ở các bộ, ngành, địa phương. Bộ máy công chức phải phục vụ người dân. Việc cải cách hành chính rất tích cực, luật pháp tốt, nhưng nếu cán bộ không tốt thì sẽ cản trở quá trình phát triển.
Không thể chậm trễ!
Theo Luật Đầu tư năm 2014, từ ngày 1/7/2016, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh; các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp bộ sẽ hết hiệu lực thi hành. Vì vậy, cần xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, người dân và DN vẫn đang phải chờ hướng dẫn nhiều thủ tục đầu tư, kinh doanh, vì còn nhiều văn bản đang trong quá trình soạn thảo (?!). Do đó, ngày 14/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công văn số 789/TTg-PL yêu cầu các bộ, ngành cần rút ngắn thời gian, đẩy nhanh việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật DN, Luật Đầu tư (nhấn mạnh về điều kiện kinh doanh).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ được giao chủ trì soạn thảo văn bản phải trực tiếp chỉ đạo, có biện pháp rút ngắn thời gian soạn thảo, thẩm định, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần chỉ đạo quyết liệt việc tập hợp, rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh đang quy định tại các thông tư, quyết định của bộ trưởng theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT để tổng hợp, xây dựng các nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
“Các bộ gửi kết quả rà soát đến Bộ KH&ĐT, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ trước ngày 21/5/2016, trong đó xác định rõ số lượng các thông tư, quyết định của bộ trưởng có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, số lượng và tên các nghị định; đồng thời đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các nghị định này, trình Chính phủ trước 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn”, công văn nêu rõ.
Cũng theo công văn, nếu hết thời hạn nêu trên, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa ký trình Chính phủ các nghị định trong phạm vi quản lý - sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ.
Chính phủ đã nhiều lần thể hiện quyết tâm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của người dân, phát huy tự do sáng tạo, huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Song tới thời điểm này, nhiều văn bản do các bộ chủ trì soạn thảo chưa được “trình làng”, trong khi chỉ còn ít ngày nữa, các nghị định, thông tư cấp bộ, ngành, địa phương về điều kiện kinh doanh sẽ hết hiệu lực.
Thiết nghĩ, nếu không thực hiện được yêu cầu của Thủ tướng, thì cải cách lớn nhất của Luật Đầu tư, với mục tiêu kiểm soát các điều kiện kinh doanh, có thể bị vô hiệu hóa. Người dân và cộng đồng DN đang trông đợi vào những hành động quyết liệt từ phía các bộ, ngành, địa phương!.
Phan Chinh