Doanh nghiệp Việt ra biển lớn - Chữ tín là hàng đầu - Hình 1

Quang cảnh Hội thảo "Doanh nghiệp Việt ra biển lớn"

Hội thảo thu hút hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước, các hiệp hội, đại diện các sở, ngành của TP. HCM, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam.

Thu hút vốn ngoại từ niềm tin   

Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên cho biết, trong bối cảnh đan xen giữa thuận lợi và thách thức, sức sống của các doanh nghiệp trong nước là rất đáng tự hào. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới không ngừng tăng lên mỗi năm; những người trẻ biến ý tưởng thành thương hiệu Việt có uy tín ngày càng nhiều, hàng hóa xuất xứ Việt Nam cũng có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới; hàng triệu doanh nhân đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, thực tế đặt ra không nhỏ cho doanh nghiệp Việt khi muốn hội nhập với các đối tác kinh tế có uy tín trên thương trường quốc tế. Bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp, để vươn ra biển lớn Doanh nghiệp Việt không những cần đủ mạnh về năng lực, chuyên môn mà còn rất cần chữ tín đối với các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, cộng đồng doanh nhân rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các bộ ngành trung ương, địa phương.

Nếu trước đây, các doanh nghiệp trong nước được ví là “đội thuyền thúng” thì giờ đây, nhiều công ty trong nước không chỉ dẫn dắt thị trường nội địa mà còn vững vàng tiến ra thế giới; gọi hàng trăm triệu USD vốn từ các quỹ nước ngoài; không ít công ty trở thành đối tác chiến lược của các thương hiệu lớn của các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật và Châu Âu…

Doanh nghiệp Việt ra biển lớn - Chữ tín là hàng đầu - Hình 2

Các doanh nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hợp tác và làm việc với đối tác nước ngoài

Chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hợp tác và làm việc với đối tác nước ngoài, ông Nguyễn Trung Tín - Tổng giám đốc An Gia Investment cho biết, kinh nghiệm lớn nhất của công ty chúng tôi khi làm việc với đối tác nước ngoài là luôn minh bạch và công khai thông tin, đây được coi là điều kiện kiên quyết để xây dựng sự hợp tác lâu dài giữa hai bên. Đồng thời, chúng tôi luôn tâm niệm rằng “Bạn có thể thất bại và không thành công ở một vài dự án, tuy nhiên khi bạn chọn đúng đối tác và người đồng hành, chắc chắn trong tương lai, bạn sẽ đạt được thành công”.

Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp khác như: Thuduchouse, Hưng Thịnh… cũng từng bước “vươn ra biển lớn”. Ông Nguyễn Ngọc Trương Chinh, Phó Tổng giám đốc Thuduc House cho biết, điểm mấu chốt trong chiến lược kinh doanh của Thuduchouse là quốc tế hóa về vốn, địa bàn đầu tư và cả nhân lực. Doanh nghiệp này đã đầu tư sang Mỹ, hợp tác với các đối tác Hàn Quốc… và đã tạo được nhiều kết quả tốt đẹp.

Cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

Tuy nhiên theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thách thức rất lớn cho doanh nghiệp trong và ngoài nước hiện nay khi tham gia đầu tư trong nước là thủ tục hành chính.

Đại diện Sở KHĐT bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc cho biết, để cải thiện môi trường đầu tư năm 2019 TP. HCM đã chọn là năm “cải cách hành chính”. Tại Sở KHĐT nhiều thủ tục được đơn giản hóa, 3 trong 1, 4 trong 1, nhiều thủ tục doanh nghiệp đầu tư chỉ đi 1 lần là hoàn thành. Ngoài ra, TP. HCM cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo làm cầu nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt ra biển lớn - Chữ tín là hàng đầu - Hình 3

Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. HCM phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP. HCM cũng cho biết, các ngân hàng thương mại thời gian qua tập trung nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và tham gia nhiều chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, từ năm 2012, UBND TP. HCM đã chỉ đạo cho NHNN cùng các sở, ngành phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng. Trong năm đầu tiên, NHNN triển khai cấp vốn hơn 100 tỉ đồng cho doanh nghiệp, đến nay đã có 60.000 doanh nghiệp vay vốn với gần 945.000 tỉ đồng.

Chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng lan tỏa rất nhanh, rộng, tạo hiệu ứng tốt và đến năm 2014, Thống đốc NHNN đã quyết định triển khai mô hình này cho toàn quốc.

Với riêng TP. HCM, UBND TP đã giao 9 đầu mối tiếp cận, giải quyết nhu cầu vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn TP gồm: NHNN TP. HCM, Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, UBND 24 quận huyện, Ban quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất Hepza, Ban quản lý khu công nghệ cao, Ban quản lý khu phần mềm Quang Trung, các hợp tác xã. Theo thống kê, hồ sơ từ doanh nghiệp chuyển đến các đầu mối này năm 2012 là 16 lần thì đến năm 2014 giảm chỉ còn 8 lần.

“Về nguyên tắc, ngân hàng cho vay phải có điều kiện. Doanh nghiệp khi vay vốn phải có phương án kinh doanh, phương án tài chính, có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp nhỏ, nếu đảm bảo phương án tài chính kinh doanh rõ ràng thì ngân hàng vẫn cho vay, thế chấp từ dòng tiền bán hàng, từ nguồn thu của doanh nghiệp. Hình thức này cũng đã được triển khai hiệu quả từ năm 2013 đến nay” - ông Minh thông tin và nhấn mạnh: “Cho đến thời điểm này, nếu doanh nghiệp nào đủ điều kiện mà chưa tiếp cận được vốn ngân hàng, có thể điện thoại đến 9 đầu mối trên hoặc liên hệ trực tiếp với tôi. Nếu ngân hàng có tiêu cực, doanh nghiệp có thể phản ánh về đường dây nóng của NHNN hoặc các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Thanh Niên, Lao động, Người lao động…”.

Bảo Trần