Hiệu quả hoạt động kinh doanh của Viettel Global đang được cải thiện liên tục nhờ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là viễn thông, tăng doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, tăng cường cung cấp các giải pháp công nghệ cho các tổ chức, doanh nghiệp đã khiến các công ty thị trường có thêm nhiều khách hàng và hợp đồng lớn.
Do đó, dù cho chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi từ 2.121 tỷ lên 4.469 tỷ đồng chủ yếu do trích lập dự phòng khoản phải thu đối với công ty Viettel Cameroon nhưng Viettel Global vẫn có lãi trước thuế 12 tỷ đồng.
Tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2019 đạt mức 35,7% tăng đáng kể so với 31,4% của năm 2018 và 23,6% của năm 2017.
Tại báo cáo kiểm toán 2019, doanh nghiệp này cũng ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con Viettel Cameroon thành khoản mục đầu tư dài hạn khác do chưa thu thập được số liệu tài chính năm. Đây được cho là hành động thận trọng của Viettel Global, áp dụng theo các văn bản hướng dẫn về lập và trình bày báo cáo tài chính.
Trong khi doanh thu tại châu Phi giảm thì khu vực Đông Nam Á tăng mạnh từ 7.454 tỷ lên gần 9.400 tỷ đồng, còn khu vực Mỹ Latin vẫn giữ được mức độ ổn định với doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng.
Việc thị trường Myanmar đi vào hoạt động ổn định giúp lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với năm trước, đạt 323 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, năm 2020, Viettel Global dự kiến tăng trưởng 5 triệu thuê bao. Đây được xem là mục tiêu thách thức trong bối cảnh viễn thông toàn cầu đã bão hòa. Về chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của công ty dự kiến tiếp tục dương.
Ở mức giá hiện tại 27.200 đồng, VGI là một trong số ít cổ phiếu lớn đã vượt qua tác động của Covid-19. Sau khi hồi phục hơn 40% từ cuối tháng 3 đến nay, hiện cổ phiếu này tăng 2% so với trước Tết và tăng 10% so với cuối năm 2019.
Hà Trần