Việc dạy và học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng đã và đang được Nhà nước hết sức quan tâm và đầu tư. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã cuộc trao đổi với bà Nguyễn Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty CP Đào tạo Hoàng Phúc - Anh ngữ Quốc tế Blessing.

Nguyễn Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty CP Đào tạo Hoàng Phúc - Anh ngữ Quốc tế Blessing.

Dạy và học ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên là một trong những chiến lược quan trọng trong giáo dục, bà có ý kiến như thế nào về việc này?

Việc nâng cao năng lực ngôn ngữ cho học sinh, sinh viên Việt Nam là một trong những chiến lược quan trong trong giáo dục & đào tạo của chúng ta hiện nay. Đặc biệt, năm 2008, Quyết định số 1400/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" (Đề án ngoại ngữ 2020).

Đề án thể hiện sự quan tâm đặc biệt, một sự đầu tư chuẩn mực phù hợp với xu thế phát triển xã hội của Việt Nam, của ngành giáo dục đối với quá trình đào tạo ngoại ngữ cho thế hệ trẻ. Đề án còn là sự thay đổi mang tính đột phá, toàn diện của ngành trong dạy và học ngoại ngữ.

Là đại diện của một tổ chức đào tạo ngoại ngữ, bà đánh giá thế nào về tính cấp thiết và ý nghĩa của việc dạy và học ngoại ngữ khi Việt Nam đã tham gia tích cực WTO?

Tính cấp thiết của việc dạy và học ngoại ngữ là phải đáp ứng được những yêu cầu, mục tiêu phát triển của xã hội. Trong xu thế phát triển và hội nhập, Việt Nam cũng như một số quốc gia khác đang rất cần và sẽ cần những lớp người có năng lực sử dụng ngoại ngữ thành thạo. Vậy làm thế nào để có được một thế hệ những con người có khả năng như vậy? Có lẽ không còn cách nào khác đó là phải đào tạo họ, đào tạo chuẩn mực, đào tạo có mục đích, có thời hạn cụ thể để giải quyết được những yêu cầu, mục tiêu đặt ra của xã hội. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong mục tiêu của Đề án ngoại ngữ 2020: "Đến năm 2020, đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học sẽ có đủ năng lực về ngoại ngữ, sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp để làm việc tốt trong môi trường hội nhập đa ngôn ngữ; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước".

Đề án ngoại ngữ 2020 có 2 ý nghĩa quan trọng.

Thứ nhất, Đề án có giá trị rất lớn trong việc định hướng lại, định hướng chuẩn mực cách dạy và học ngoại ngữ (dạy và học ngoại ngữ phải đủ 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết); Dạy và học để có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo, chứ không phải để có tấm bằng hay chứng chỉ.

Thứ hai, Đề án được thực hiện thành công, chuẩn mực - sẽ tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển, đồng thời khẳng định vị thế đất nước con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Xuất phát từ đâu, bà lại quyết định thành lập một tổ chức đào tạo ngoại ngữ tại tỉnh Hưng Yên để góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu đào tạo ngoại ngữ của Đề án 2020?

Trước hết, là người con của quê hương Hưng Yên nên tôi mong muốn được đóng góp một phần công sức, trí tuệ nhỏ bé của mình để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Tôi đã từng có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc với các hình thức đào tạo ngoại ngữ của một số quốc gia và một số thành phố lớn tại Việt Nam. Những nơi đó, môi trường học ngoại ngữ dành cho học sinh, sinh viên khá thuận lợi. Vì thế, tôi muốn tạo ra một môi trường học ngoại ngữ tốt và hiệu quả cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Tại cơ sở đào tạo của tôi, quá trình đào tạo ngoại ngữ (tiếng Anh) có lộ trình, mục tiêu rõ ràng, dạy học đủ và chuẩn mực 4 kỹ năng. Hy vọng, với hình thức đào tạo mà chúng tôi đang sở hữu - sẽ góp phần vào sự thành công của Đề án 2020.

Theo bà, để Đề án ngoại ngữ 2020 thành công, ngành giáo dục nên tạo thêm những điều kiện gì?

Theo tôi, để Đề án ngoại ngữ 2020 thành công thì trách nhiệm không chỉ là của ngành giáo dục. Ngành giáo dục cần có những giải pháp cụ thể, thiết thực cho việc triển khai Đề án. Một mặt, sẽ khuyến khích, mặt khác tạo hành lang pháp lý phù hợp để các tổ chức đào tạo ngoại ngữ ngoài nhà trường cùng tham gia phối hợp thực hiện…

Trân trọng cảm ơn bà!

Hoan Nguyễn