Đó là Quyết định số 41/QĐ-TTg “Về việc công nhận bảo vật quốc gia, đợt 11, năm 2022, cho 27 hiện vật, nhóm hiện vật ở các tỉnh, thành phố trong cả nước” do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký vào ngày 30/01.
Theo Quyết định số 41/QĐ-TTg, trong số 27 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận có đôi tượng voi đá ở thành Đồ Bàn (tức thành Hoàng Đế), có niên đại nửa sau thế kỷ XII, hiện đang lưu giữ tại Khu di tích thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo đó, đôi tượng voi đá ở thành Đồ Bàn là 02 tác phẩm điêu khắc đá được chế tác theo phong cách điêu khắc Champa thuộc thế kỷ XII. Trong đó, tượng con voi cái có kích thước dài 2,2 m, rộng 0,85 m, cao hơn 1,7 m. Tượng voi cái được tạc trong tư thế đang đứng yên, trên trán được khắc hình vương miện, cổ đeo yếm... Trong khi đó, tượng con voi đực có chiều dài 2,4 m, rộng 01 m, cao 02 m. Con voi này được tạc trong tư thế động, với 02 chân bên trái đang bước tới, vòi buông xuống uốn vào chân trái…
Theo Sở Văn hoá và Thể thao Bình Định, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 11 hiện vật được công nhận “Bảo vật quốc gia”. Trong số này, có 06 “Bảo vật quốc gia” được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định, gồm: Tượng thần Shiva niên đại thế kỷ XV (được lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn); Cặp tượng Hộ pháp niên đại thế kỷ XII - XIII (lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn); Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (niên đại đầu thế kỷ XII); Phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII); Phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII); Đôi tượng voi đá ở thành Đồ Bàn (Khu di tích thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn).
Cụ thể, phù điêu nữ thần Mahishasuramardini (niên đại đầu thế kỷ XII, được công nhận năm 2015); Phù điêu thần Brahma (niên đại cuối thế kỷ XII, được công nhận năm 2016), Cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn (niên đại thế kỷ XII - XIV, được công nhận năm 2017); Phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại đầu thế kỷ XII, được công nhận năm 2020); Phù điêu Thần hộ pháp Mả Chùa (niên đại thế kỷ XII, được công nhận năm 2021).
Bên cạnh đó là 05 “Bảo vật quốc gia” còn lại, gồm: Cặp tượng Hộ pháp niên đại thế kỷ XII - XIII (lưu giữ tại chùa Nhạn Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) được công nhận năm 2020; Tượng thần Shiva niên đại thế kỷ XV (được lưu giữ tại chùa Linh Sơn, xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn) được công nhận năm 2018 và cặp tượng voi đá thành Đồ Bàn (Khu di tích thành Hoàng Đế, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn) vừa được công nhận.
Viết Hiền