Giữa tuần qua, Tập đoàn Besra Việt Nam tuyên bố tạm ngừng hoạt động đối với Công ty TNHH vàng phước Sơn ( Công ty vàng phước Sơn) và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu ( Công ty vàng Bồng Miêu). Tập đoàn này đưa ra quyết định trên với lý do bị cơ quan chức năng cưỡng chế thuế.

Từ cuối năm 2013, danh sách nợ thuế chây ỳ và kéo dài trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mỗi ngày một dài, số tiền nợ đọng thuế tăng cao. Đứng đầu trong các đơn vị nợ thuế kéo dài phải kể đến Công ty vàng Phước Sơn và Công ty vàng Bồng Miêu, hai doanh nghiệp (DN)  thuộc Tập đoàn Besra Việt Nam. Tính  đến cuối tháng 7 –2014, Công ty vàng Phước Sơn còn nợ 240 tỷ đồng thuế ( bao gồm: 135 tỷ đồng thuế tài nguyên, 15 tỷ đồng thuế thu nhập DN, 5,3 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng  (VAT), 11 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường, 9,3 tỷ đồng  thuế thu nhập cá nhân và 39 tỷ đồng tiền phạt do chậm nộp). Còn Công ty vàng Bồng Miêu cũng nợ thuế 62 tỷ đồng… Số nợ đọng của hai DN này quá lớn đã đẩy số nợ đọng thuế toàn tỉnh vọt lên hơn 750 tỷ đồng, chiếm 15% tổng thu ngân sách địa phương và gấp ba lần mức cho phép…

Đối với Công ty vàng Phước Sơn và Công ty vàng Bồng Miêu, hằng tháng, Cục Thuế đều có văn bản đôn đốc nộp thuế  nhưng các DN không thực hiện, trong khi vàng vẫn bán ra thị trường đều đặn. Do vậy, ngày 28-3-2014, Cục thuế buộc phải ban hành các quyết định cưỡng nợ thuế bằng hình thức phong tỏa tài khoản tại các ngân hàng. Sau một tháng thực hiện, việc cưỡng chế này vẫn không mang lại hiệu quả. Đến ngày 28-4, Cục thuế đành phải áp dụng biện pháp vô hiệu hóa giá trị hóa đơn và thông báo hóa đơn của hai DN này không còn giá trị sử dụng.

Phó Cục trưởng Thuế Quảng Nam Lương Đình Đường cho biết, khi nợ thuế của hai DN này tăng lên, Cục Thuế đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở và kịp thời hoàn thuế VAT để hai đơn vị này có điều kiện hoàn thành nghĩa vụ thuế. Thế nhưng, các biện pháp đó không mang lại kết quả. Trước khi thực hiện lệnh cưỡng chế thuế ngày 6-9-2013, Cục Thuế đã mời lãnh đạo hai DN đến xác định nợ và cam kết trả nợ theo quy định, nhưng cả hai DN không chịu trả nợ cũ mà chỉ cam kết trả nợ phát sinh hàng tháng và đề nghị xin gia hạn số nợ cũ. Sau đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Cục Thuế đã tạm thời chưa thực hiện quyết định cưỡng chế; đồng thời chủ động mời lãnh đạo hai DN làm việc để thống nhất cam kết trả nợ theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, hai DN này vẫn tiếp tục chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Trong quý I, hai DN này chỉ nộp  vào ngân sách Nhà nước  8,2 tỷ đồng. Nhưng đây là số tiền do cục thuế hoàn thuế VAT, bù trừ nợ thuế, chứ không phải do hai DN tự nộp.

Ngày 24-7, UBND tỉnh Quảng Nam giao cho Cục Thuế làm việc với Tập đoàn Besra  Việt Nam để tìm giải pháp thu hồi nợ thuế, những lãnh đạo tập đoàn này chỉ “ khư khư” đề nghị ngành thuế gỡ bỏ các biện pháp cưỡng chế thuế và hứa sau khi DN  hoạt động trở lại  sẽ nộp đủ thuế phát sinh hàng tháng, nhưng không đưa ra được phương án trả nợ và tiếp tục xin được “khất nợ” số tiền thuế hơn 300 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Cục Thuế Quảng Nam, việc thu thuế lấp dụng  trên cơ sở sản lượng vàng bán ra của hai DN. Qua nhiều lần kiểm tra, hai DN này, không có hàng ứ đọng, không thua lỗ và không có dấu hiệu mất vốn. Từ năm 2012, hai DN này bán ra thị trường và xuất khẩu lượng vàng khá lớn,nhưng lại không chấp hành nghĩa vụ thuế là điều vô lý, không thể chấp nhận được.Chính quyền huyện Phước Sơn cũng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng và Tổng cục Thuế, phản ánh việc: “Mỗi năm, Công ty vàng Phước Sơn khai thác, đưa đi xuất khẩu hàng tấn vàng nhưng lại cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế, không thực hiện đúng chế độ lương và bảo hiểm với người lao động, làm cho người dân bức xúc…”.

Tại buổi chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp HĐND tỉnh giữa tháng 7 vừa qua, sau khi bày tỏ lo lắng trước việc Nhà nước giao cho một đơn vị nợ thuế hằng trăm tỷ đồng được quyền thăm dò, khai thác trên diện tích 42km2 tại miền núi Phước Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam Đặng Văn Chương đề nghị tỉnh và các cơ quan chức năng cần sớm giải quyết dứt điểm vụ nợ thuế và nợ bảo hiểm đối với người lao động tại DN. Dư luận cho rằng, đáng lẽ ra, sau khi bị ngành thuế cưỡng chế, đơn vị này phải hợp tác với ngành thuế và trình bày phương án cam kết trả nợ, đẩy mạnh sản xuất để vượt qua khó khăn. Vậy nhưng, DN này lại “tung chiêu” tạm ngừng hoạt động và cho công nhân nghỉ việc để gây áp lực đối với địa phương và ngành thuế…

Trao đổi ý kiến với phóng viên Thời Nay về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh cho biết, trước tình hình nợ đọng kéo dài, làm ảnh hưởng nguồn thu và kế hoạch chi ngân sách, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành thuế rà soát, phân loại nợ và nguyên nhân nợ để có biện pháp miễn, giảm và truy thu  thuế theo quy định. Riêng đối với khoản nợ thuế của hai DN khai thác vàng của Tập đoàn Besra Việt Nam, UBND tỉnh đã nhiều lần cân nhắc trước khi thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế. Hiện tai, Cục thuế đã áp dụng các biện pháp truy thu  thuế đối với hai DN này và đây là việc làm theo quy định của pháp luật. Đề nghị các cơ quan chức năng T.Ư cần sớm vào cuộc và hỗ trợ địa phương đưa ra một giải pháp tối ưu nhất nhằm bảo vệ tài sản và thu hồi lại tiền cho ngân sách; giải quyết hài hòa các lợi ích giữa Nhà nước, DN, người lao động và địa phương trên cơ sở pháp luật quy định.

Theo Thời Nay