Hôm nay 9/10 tại Hà Nội, Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) tổ chức diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp".

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì diễn đàn
Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024. Ảnh VGP/Đức Tuân.

Đây là sự kiện thiết thực hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2024) và Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11/2024).

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng PBGDPL Trung ương cho biết, trong bối cảnh đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, thể chế theo hướng tạo hành lang pháp lý cho đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực thúc đẩy phát triển được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. 

"Để đáp ứng yêu cầu đó, chúng ta cần thường xuyên rà soát các vấn đề pháp lý, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nói.

Tại Diễn đàn này, đã có 117 ý kiến về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã có báo cáo rà soát về việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đề cập.

Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Diễn đàn - Ảnh: VGP/Đức Tuân
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu khai mạc Diễn đàn. Ảnh VGP/Đức Tuân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024 được tổ chức nhằm tạo cầu nối để cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp "lắng nghe tiếng nói" của nhau; tiếp tục cùng nhau xác định những vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay và đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn này, các đại biểu sẽ trao đổi, làm sâu sắc hơn về: (1) Vai trò của thể chế để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khơi thông nguồn lực giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; thượng tôn pháp luật để tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh theo pháp luật, tích cực cống hiến, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước; (2) Sự tương tác giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề pháp lý phục vụ sự phát triển và bứt phá đi lên; (3) Vấn đề thực thi, tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.

Để chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà thực tiễn tổng hợp các vấn đề pháp lý từ thực tiễn, qua đó lựa chọn 2 chủ đề chính, được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm để Diễn đàn thảo luận, đó là: Thứ nhất, các vấn đề pháp lý về trình tự, thủ tục các dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ; Thứ hai, các vấn đề pháp lý về thuế và giải pháp tháo gỡ.

Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, có 2 mục tiêu chính của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024: Một là, nhận diện được đúng và trúng các vấn đề tồn tại về pháp lý trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh doanh nghiệp đang trên đà khôi phục và phát triển mạnh mẽ hiện nay; làm rõ các vấn đề tồn tại đó xuất phát từ nguyên nhân nào? do quy định của pháp luật hay do tổ chức thi hành pháp luật (hay cả hai)?;

Hai là, đưa ra được các các định hướng, giải pháp hữu hiệu ngay tại Diễn đàn hoặc sau Diễn đàn nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý giúp doanh nghiệp phát triển trên cả 2 phương diện: Hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, phản ứng chính sách, pháp luật linh hoạt, kịp thời.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội điều hành phiên thảo luận thứ nhất về giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ - Ảnh VGP/Đức Tuân
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội điều hành phiên thảo luận thứ nhất về giải quyết một số vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất và giải pháp tháo gỡ. Ảnh VGP/Đức Tuân

"Với thông điệp "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp", tôi hy vọng rằng, Diễn đàn này sẽ tiếp tục khẳng định cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, người dân", Bộ trưởng nói.

Đồng thời, đây cũng là sự cụ thể hóa việc đổi mới tư duy triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng thể chế nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quyết tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Đảng và Nhà nước ta.

Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng đồng hành, "theo sát" và cùng cộng đồng doanh nghiệp "tháo gỡ đến cùng" các khó khăn, vấn đề pháp lý mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi một cách thực chất, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh khẳng định.

PV/chinhphu.vn