Cụ thể, việc nới lỏng ở Đồng Nai theo từng bước, đảm bảo tuyệt đối an toàn, sau một tuần sẽ đánh giá và cập nhật tình hình dịch, mức độ nguy cơ.
Ở khu vực vùng xanh, tùy vào tỉ lệ tiêm vaccine (đủ liều hoặc khỏi bệnh) sẽ áp dụng Chỉ thị 15 nâng cao, Chỉ thị 19 nâng cao và trạng thái bình thường mới. Người từ vùng xanh được đi qua vùng xanh khác. Người dân lưu thông, tham gia các hoạt động xã hội đều phải tiêm đủ liều vaccine hoặc ít nhất tiêm một mũi sau 14 ngày.
Còn người dân ở các vùng đỏ, cam, vàng vẫn thực hiện theo Chỉ thị 16 nâng cao.
Ở trạng thái bình thường mới, người dân được tham gia các hoạt động, chỉ yêu cầu đảm bảo 5K (riêng karaoke, bar, massage chỉ tiếp nhận tối đa 50% công suất)…
Tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng các tiêu chí vùng xanh đến đơn vị là xã, phường, doanh nghiệp. Theo đó, những xã, phường nào đã xanh hoàn toàn thì cho phép mở cửa, trở về trạng thái bình thường mới. Xã, phường nào còn khu phố, ấp chưa xanh thì vẫn chưa được mở cửa.
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, sau hai tháng giãn cách xã hội thì bản đồ dịch bệnh hiện nay của tỉnh cho thấy vùng xanh là cơ bản, nhiều hơn. Đồng Nai cần nỗ lực chuyển hóa các vùng khác thành vùng xanh và “phải chấp nhận rủi ro”, bình tĩnh xử lý, không vì sợ mà phong tỏa quá rộng, tiêu tốn rất nhiều nguồn lực.
Trước mắt, Đồng Nai nới lỏng vùng xanh theo đơn vị cấp xã. Sau 10 ngày áp dụng, tỉnh sẽ tính đến việc nới lỏng các đơn vị cấp ấp, thậm chí đến tổ nhân dân. Đồng Nai chưa áp dụng thẻ vàng, thẻ xanh trong việc đi lại.
Đối với tỉnh Bình Dương, tỉnh cũng đang từng bước nới lỏng giãn cách tại các địa phương được công bố vùng xanh, ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới theo phương châm không chủ quan, nóng vội.
Theo ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, các địa phương vùng xanh được nới lỏng giãn cách nhưng vẫn duy trì nghiêm ngặt các quy định để kiểm soát dịch bệnh.
“Tùy vào mức độ diễn biến dịch bệnh của từng địa phương mà áp dụng quản lý theo quy định tại các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Việc đi lại của người dân do các địa phương quyết định nhưng đảm bảo theo quy định. Người dân được phép ra đường khi đã tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày và F0 đã điều trị khỏi bệnh” - ông Hà nhấn mạnh.
Bình Dương dự kiến chia làm ba giai đoạn để phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế. Cụ thể:
Trong giai đoạn 1 (từ ngày 15/9 đến 31/10), địa phương sẽ ưu tiên phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng xanh.
Ở giai đoạn 2 (từ sau ngày 31/10), hoàn thành tiêm mũi 2 (khi được phân bổ vaccine) và mở cửa các hoạt động có chọn lọc khi không còn vùng đỏ, vùng vàng. Nếu trong thời gian này, dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu thì địa phương sẽ tính toán điều chỉnh quay về giai đoạn trước, quản lý chặt chẽ hơn.
Ở giai đoạn 3 (từ sau ngày 31/12), nếu đã kiểm soát dịch bệnh thành công, không còn vùng đỏ, vùng vàng sẽ mở cửa lại toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội.
Nguyễn Tùng - Hoàng Dương