Nhằm giảm số người nhiễm HIV/AIDS mới và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Đồng Nai vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 122 triển khai và đảm bảo tài chính thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ước tính tổng kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2030 của tỉnh là hơn 388,8 tỷ đồng. Bao gồm chi cho điều trị HIV/AIDS; chi cho các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV; chi cho các hoạt động giám sát, theo dõi, đánh giá và xét nghiệm; chi tăng cường năng lực hệ thống.
Nguồn kinh phí lấy từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác như: nguồn ngân sách trung ương, nguồn viện trợ quốc tế, nguồn Qũy BHYT, nguồn xã hội hóa.
Theo thông tin từ đại diện Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh đang quản lý hơn 5,8 ngàn người nhiễm HIV có hộ khẩu tại Đồng Nai.
Riêng năm 2021, toàn tỉnh phát hiện 732 người nhiễm HIV mới, trong đó có 65% là người ngoại tỉnh đến sinh sống và làm việc. Tất cả 11 huyện, thành phố của tỉnh Đồng Nai đều có người nhiễm HIV/AIDS.
Tình hình HIV/AIDS tại tỉnh vẫn ở giai đoạn tập trung, chủ yếu là trong các nhóm nguy cơ cao như: nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm nghiện chích ma túy, vợ chồng/bạn tình của người nhiễm HIV. Nhóm tuổi từ 20-29 có tỷ lệ nhiễm cao nhất.
Dự báo, đến năm 2030, HIV/AIDS tại Đồng Nai vẫn còn trong giai đoạn tập trung, chủ yếu lây nhiễm qua đường tình dục, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Tuy nhiên, vẫn khống chế tỷ lệ nhiễm HIV dưới 0,3%. TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và huyện Long Thành vẫn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề với số người nhiễm đang có xu hướng gia tăng do di biến động dân cư và gia tăng các khu công nghiệp.
Phong Vân