Báo TH&CL nhận được đơn khiếu nại của của nhiều hộ dân đang trú tại khu phố 3, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phản ánh về việc một số lãnh đạo chính quyền địa phương  này đã có hành vi cưỡng chế thu hồi đất, thu giữ tài sản của gia đình họ không đúng quy định của pháp luật, vì không có biên bản vi phạm hành chính, không có Quyết định cưỡng chế, cưỡng chế ngày cận Tết...

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Bài 1:Tước công người khai hoang? - Hình 1

Đơn tố cáo phó Chủ tịch TP. Biên Hoà - người ký Quyết định cưỡng chế của các hộ dân

Tước công người khai hoang?

Theo đơn cầu cứu tập thể của 7 hộ dân bị cưỡng chế, vào trước những năm 1993, các gia đình này có khai phá khoảng 15 ha đất tại phường Long Bình để sản xuất (chủ yếu là chăn nuôi và trồng rừng) từ đó đến nay.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Bài 1:Tước công người khai hoang? - Hình 2

Từ khu trang trai hàng chục tỷ đồng giờ là ....bãi rác của Công ty Amata

Theo phản ánh của ông Lê Văn Dũng, một trong 7 hộ có chung số phận bị cưỡng chế  cho biết: “Chúng tôi bỏ bao nhiêu tiền của, công sức ngày đêm, sau nhiều năm khai hoan thành vườn cây ăn quả, cây lâu năm. Một số gia đình vì không có nơi ở, xây nhà cấp 4, xây chuồng trại chăn nuôi gia súc sinh sống ổn định từ nhiều năm nay. Nhiều lần chúng tôi gửi đơn ra phường, đề nghị cấp sổ đỏ đất ở ổn định lâu dài cho chúng tôi, nhưng vì nhiều lý do chưa được chấp nhận, trong khi đó các hộ dân liền kề có nguồn gốc đất như chúng tôi, nay đã được cấp sổ đỏ và xây nhà kiên cố…”.

Điều này đã được ông Lê Văn Quang (SN 1948) cư ngụ tại địa chỉ B15-B17, khu phố 5, phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hoà đã viết đơn làm chứng nguồn gốc thửa đất nói trên. Trong đơn ông Quang ghi rõ: “Năm 1988, chúng tôi có vào trực tiếp chứng kiến các hộ dân này khai phá đất hoang, đồi trọc để trồng cây, sản xuất, chăn nuôi theo tinh thần của Chỉ thị 24/CT-UBT của UBND tỉnh ký ngày 07/4/2/1990 - về việc hướng dẫn cụ thể việc giải quyết tình hình tranh chấp đất đai hiện nay, trong đó có việc cho phép phủ xanh đồi trống, đồi trọc. Ông Quang khẳng định sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về lời xác thực này và đã được Chủ tịch UBND phường Tam Hiệp chứng thực.

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Bài 1:Tước công người khai hoang? - Hình 3

Chủ tịch UBND phường Tam Hiệp chứng thực đơn làm chứng nguồn gốc thửa đất của ông Lê Văn Quang

Không công nhận là trái quy định của pháp luật?

Ông Dũng cho biết “Quá trình sử dụng đất, chưa bao giờ nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về việc vi phạm về quản lý đất đai và cũng chưa nhận được quyết định nào về việc thu hồi đất từ phía chính quyền nhưng lại cưỡng chế:

“Tôi đã nhiều lần làm đơn gửi các cơ quan cấp trên: UBND tỉnh Đồng Nai, UBND thành phố Biên Hòa, Thanh tra tỉnh Đồng Nai để giải quyết. Các cơ quan cấp trên đều có văn bản chỉ đạo chuyển đơn về cho UBND phường Long Bình giải quyết. Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần liên hệ mong được UBND phường Long Bình giải quyết một cách hợp tình, hợp lí đúng pháp luật song sự mong mỏi của chúng tôi đều không nhận được câu trả lời” (?!).

Đồng Nai: Cưỡng chế thu hồi đất có dấu hiệu khuất tất - Bài 1:Tước công người khai hoang? - Hình 4

Chỉ thị 24/CT-UBT của UBND về việc hướng dẫn cụ thể việc giải quyết tình hình tranh chấp đất đai hiện nay, trong đó có việc cho phép phủ xanh đồi trống, đồi trọc.

Trong Chỉ thị 24/CT-UBT của UBND tỉnh này cũng ghi rõ: “Đất tự do khai hoang, đã ổn định sản xuất nhiều năm, làm nghĩa vụ thuế đầy đủ cho Nhà nước, thì công nhận quyền hợp pháp cho họ. Nếu bị Nhà nước thu hồi vì lý do quy hoạch, hoặc phục vụ nhu cầu Nhà nước, thì sẽ được bồi thường thành quả lao động và kết quả đầu tư có được trên đất đó hoặc được giao đất khác”.

Tại Điều 101, Luật Đất đai 2013 cũng niêu rõ:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Như vậy, việc các hộ gia đình này khai hoang đất để sản xuất theo Chỉ thị 24 của UBND tỉnh này, và sản xuất từ đó đến nay không bị tranh chấp hay vi phạm gì .... Vậy vì sao các hộ dân này không những không được cấp sổ mà còn bị “cưỡng chế trắng”, “đẩy” họ vào cảnh “màng trời, chiếu đất” trong những ngày cận Tết? Có hộ không hề nhận Quyết định cưỡng chế vẫn bị cưỡng chế, và tài sản của họ sau khi bị cưỡng chế giờ không biết đang ở đâu, ai quản lý(?!).

Báo TH&CL sẽ thông tin đến bạn đọc trong bài “Quá nhiều bất cập trong công tác thu hồi đất” trong số tới.

Cao Diên - Hải Dương