Ngày 10/5, ông Bùi Văn Thảo và bà Oanh (vợ ông Thảo) nhận được tin báo rừng tràm đang bị chặt hạ, ông Thảo cùng vợ vào xem thì chỉ còn một ít diện tích cây đang bị một số người đốn hạ. Những người này cho biết họ đốn theo yêu cầu của Tổng công ty Tín Nghĩa. Khi ông Thảo vào KCN An Phước hỏi, thì được ông Thùy – một cán bộ của Tổng công ty Tín Nghĩa xác nhận việc chặt cây là do công ty thực hiện nhằm giải phóng mặt bằng (?!).
Những cây tràm 5 năm tuổi bị đốn hạ trong đêm để làm khu công nghiệp
Tại đây, người này cho ông Thảo xem Quyết định giao đất của UBND tỉnh Đồng Nai và Tờ thông báo của Tổng công ty Tín Nghĩa gửi UBND xã An Phước về việc cắt cây trồng trên thửa đất số 210.
Theo bà Oanh, diện tích đất trồng rừng của gia đình bà hơn 16 ha, được UBND huyện Long Thành giao từ năm 1986, sản xuất ổn định đến nay. Trong đó, một phần rừng tràm của gia đình bà Oanh có diện tích khoảng 10 ha, nằm kề KCN An Phước, do Tổng công ty Tín Nghĩa làm chủ đầu tư. Tại hiện trường, rừng tràm hơn 5 năm tuổi đã bị cưa trắng, thân cây bị cắt tận gốc ngã ngổn ngang.
“Gia đình tôi chấp nhận giao đất, nhưng đang khiếu nại vì không được đền bù thỏa đáng. Có khoảng 40.000 cây tràm đã bị hủy hoại, gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế của gia đình”, ông Thảo cho biết.
Theo Thông báo ghi ngày 26/12/2016, do ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Tín Nghĩa ký gửi UBND xã An Phước với nội dung: Thông báo đến UBND xã An Phước và các hộ dân liên quan đang trồng cây trên diện tích đất tự cắt cây di dời ra khỏi thửa 210, hoàn trả mặt bằng cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN An Phước trong thời hạn 10 ngày. Sau thời hạn, Tổng công ty Tín Nghĩa sẽ tiến hành cắt cây và san ủi mặt bằng trong KCN An Phước.
Sáng ngày 15/5, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND xã An Phước (huyện Long Thành) xác nhận sự việc nêu trên là có.
Ông Tiếp thông tin thêm, trong ngày mai (16/5) xã sẽ họp và giải quyết sự việc.
Nguyễn Lánh