Theo đơn vị chủ đầu tư - Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Gia Bảo (TP.Biên Hòa), tuyến du lịch đường sông Đồng Nai có chiều dài khoảng 30km với nhiều di tích lịch sử, văn hóa 2 bên bờ sông... như: chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Tân Lân, Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều, làng gốm Tân Vạn...
Tuyến du lịch đường sông Đồng Nai bắt đầu từ cù lao Ba Xê thuộc phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa) đến bến đò xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu). Dọc tuyến có 4 điểm dừng chân để du khách có thể ngắm vẻ đẹp trên sông, 2 bên bờ và thưởng thức các đặc sản, ẩm thực địa phương.
Đồng Nai chính thức khai trương, đưa vào khai thác tuyến du lịch đường sông Đồng Nai ở giai đoạn 1, qua đó thúc đẩy, liên kết phát triển du lịch vùng với TP Hồ Chí Minh
Bến thuyền chính của tuyến du lịch đặt trước chợ Biên Hòa với 10 canô, mỗi chiếc chở khoảng 25 khách, hoạt động tất cả ngày trong tuần.
Giá vé từ giao động từ 125.000 - 425.000 đồng/người tùy theo lượng khách. Toàn tuyến du lịch có nhiều điểm tham quan du lịch gắn với văn hóa lịch sử 320 năm Biên Hòa - Gia Định xưa như: làng gốm Tân Vạn, đá mỹ nghệ Bửu Long, chùa Bửu Phong, Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều...
Điểm nhấn ở đấy chính là khu vui chơi giải trí cù lao Ba Xê rộng 30 ha, có thể phục vụ 2.000 khách mỗi ngày. Điểm dừng Thiện Tân và Hiếu Liêm cũng được đầu tư nhiều trò chơi, gian hàng lưu niệm, nhà ăn... với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai, việc thực hiện tuyến du lịch đường sông nhằm kết nối với TP Hồ Chí Minh, đưa du khách theo đường sông từ thành phố này xuống các điểm du lịch ở Đồng Nai.
Với các địa danh, phong cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; thác Giang Điền, thác Mơ, hồ Trị An..., Đồng Nai ngày càng được nhiều khách du lịch tìm đến, nhất là từ TP Hồ Chí Minh. Năm 2017 là năm tỉnh đạt số lượng khách tham quan, lưu trú lên đến hơn 3,4 triệu lượt người, tăng 10%, mang lại doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng.
Hằng Vương