Là một trong những địa phương đi đầu về công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, góp phần tạo bước chuyển biến trong nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân, thời gian qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chỉ đạo, rà soát nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm, cải thiện các khu vực ô nhiễm nghiêm trọng và các vấn đề môi trường cấp bách; tăng cường, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn và trên địa bàn toàn tỉnh, cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Để ngăn chặn, kịp thời xử lý các vi phạm nói trên, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai không ngừng triển khai công tác kiểm tra, giám sát qua đó phát hiện nhiều cá nhân, tổ chức vi phạm. Để từ đó tiến hành xử phạt nhiều vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến chất thải rắn nguy hại và chất thải rắn thông thường, như xử phạt Công ty TNHH Một thành viên Môi trường xanh Huê Phương Việt Nam, địa chỉ trụ sở chính tại tổ 5, ấp Bến Rộng, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, cũng bị đề nghị xử phạt với số tiền 200.000.000đ vì đã thực hiện hành vi vi phạm không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Không chỉ công ty Môi trường Huê Phương có hành vi gây ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn nguy hại và đã bị xử phạt vi phạm hành chính, còn có Nhà máy xử lý chất thải nguy hại tại Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu của Chi nhánh Công ty Cổ phần Môi trường Thiên Thanh, địa chỉ trụ sở chính tại Tổ 12, ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, có hai hành vi vi phạm trong đó có hành vi thứ 2: Thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với mức phạt 250.000.000 đồng, cụ thể: Công ty này đã để 70 tank nhựa rỗng, 150 thùng nhựa loại 20L ( mã CTNH 18 01 03); 80 phuy sắt ( mã CTNH 18 01 02); 30 bao bì mềm thải (mã CTNH 18 01 01); 3000kg hóa chất thải ( mã CTNH 19 05 02); 40 thùng phuy dung môi thải ( mã CTNH 17 08 03); 10 phuy bùn không nguy hại ở ngoài trời, không có mái che ( từ ngày 20/11 đến 22/12/2020).
Mới đây, nhất là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với ông Lê Quang Vinh cư ngụ tại Khu phố 2, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai số tiền 332.500.000đ về hành vi vi phạm như:
Không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định, cụ thể: Ông Lê Quang Vinh hoạt động Cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì nhựa phế liệu thuộc danh mục số thứ tự 40 (Nhóm các dự án về xử lý, tái chế chất thải của Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ) tại ấp 6-7, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu từ 8/2019 đến thời điểm xử phạt và hành vi vi phạm thứ 3 là Không ký hợp đồng chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định, cụ thể: Ông Lê Quang Vinh hoạt động Cơ sở sản xuất hạt nhựa từ bao bì nhựa phế liệu tại ấp 6-7, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu không ký hợp đồng chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển xử lý theo quy định.
UBND tỉnh Đồng Nai đã xử lý rất nghiêm minh về những vụ việc vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường trong đó cụ thể hơn là hành vi vi phạm môi trường về lưu giữ và xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại, tại thời điểm hiện tại chúng tôi ghi nhận được trên địa bàn ấp 6-7 xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai vẫn còn nhiều trường hợp chất thải rắn thông thường không được thu gom xử lý đúng quy định và chất thải rắn nguy hại không được lưu trữ đúng nơi quy định.
Trước đó, Công ty TNHH MTV Sinh học Đồng Tâm cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 330.000.000 đ và buộc khắc phục hậu quả do trong quá trình thực hiện dự án, hoạt động sản xuất Công ty TNHH MTV Sinh học Đồng đã thải mùi hôi thối vào môi trường; không xây lắp công trình xử lý nước thải công suất theo phương án đề xuất theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt (khoảng 40m3/ngày đêm); thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và yêu cầu trong quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kì; khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà không có giấy phép theo quy định.
Ngày 12/6/2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã có Quyết định số 1971/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Sinh học Đồng Tâm với số tiền lên đến 330.000.000 đồng, cùng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động xả thải ra môi trường không đúng quy định trong thời hạn 03 tháng để khắc phục vi phạm. Kèm theo đó là các biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc Công ty Sinh học Đồng Tâm phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường.
- Buộc công ty Sinh học Đồng Tâm phải chấm dứt hành vi vi phạm, có biện pháp khắc phục hậu quả, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, quản lý đối với giếng khoan đang khai thác, sử dụng nước dưới đất mà không có giấy phép theo quy định.
- Thời hạn khắc phục hậu quả là 90 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định.
Tuy nhiên, đã gần 1 năm kể từ ngày bị lập biên bản xử phạt vi phạm nhưng công ty Đồng Tâm hiện vẫn chưa thực hiện xong biện pháp khắc phục hậu quả, theo người dân quanh khu vực trại chăn nuôi gà của Đồng Tâm từ đó đến nay vẫn phát ra mùi hôi thối, xả khói thải có mùi khét, và định kì mỗi khi gà xuất chuồng, công ty Đồng Tâm lại ngang nhiên xả nước thải trực tiếp ra môi trường.
Vì lợi nhuận, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm về quản lý chất thải nguy hại, tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của các công trình xử lý chất thải nhằm xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả chất thải (nước thải, khí thải) ra môi trường chung quanh vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Nhiều cơ sở chế biến hạt nhựa quy mô nhỏ, lẻ do tư nhân làm chủ, hình thành tự phát, phân tán; sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng; chất thải sau quá trình chế biến không được thu gom, xử lý, mà xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải tăng cường tuyên truyền pháp luật cho người dân, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường, khi có sự chung tay của các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở thì việc ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường sẽ được đảm bảo và hiệu quả hơn.
Hải Đăng