Được biết, ngày 8/7/2021, Đoàn kiểm tra thuộc Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Thị K.O. có địa chỉ trên địa bàn phường Long Bình, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai do bà Nguyễn Thị K.O. làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng của bà O. đang tồn chứa để bán hàng hóa gồm: 330 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu Nike, 660 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu PUMA, 690 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu Adidas, 10 bóp nhãn hiệu DIOR, 5 bóp nhãn hiệu LOUIS VUITTON và 25 bóp nhãn hiệu GUCCI. Giá bán niêm yết trên bịch đựng hàng hóa là: Quần áo trẻ em đồng giá 5.500 đồng/bộ, bóp đồng giá 75.000 đồng/cái. Toàn bộ hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định. Đội đã tiến hành tạm giữ để xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.

Ông Võ Văn Tỉnh – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phối hợp trong công tác tuyên truyền
Ông Võ Văn Tỉnh – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai phối hợp trong công tác tuyên truyền. (Ảnh: HĐ)

Cũng tại thời điểm kiểm tra, phát hiện bà K.O. đang tồn chứa để bán hàng hóa là quần áo trẻ em khác với số lượng 1.806 bộ, số hàng hóa này do Việt Nam sản xuất, có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, có nhãn hàng hóa nhưng không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định. Ngoài ra, bà K.O. hoạt động kinh doanh quần áo, đồ thời trang các loại qua ứng dựng điện thoại trên trang FB có tên gọi OANH KIM SHOP chưa cung cấp được giấy tờ liên quan theo quy định.

Qua tìm hiểu, Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết đơn vị  đã có văn bản gửi đại diện pháp luật của 6 nhãn hàng gồm: GUCCI, Louis Vuitton, PUMA, Dior, Nike và gửi kèm theo hình ảnh các mẫu sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nêu trên để các chủ nhãn hiệu xác minh theo yêu cầu.

Ngày 29/7/2021, Đội Quản lý thị trường số 2  đã nhận được 06 công văn phản hồi của các đại diện nhãn hàng nêu trên với nội dung xác nhận: Toàn bộ 1.680 bộ quần áo trẻ em, và 40 cái bóp mà Đội Quản lý thị trường số 2  tạm giữ tại cửa hàng Nguyễn Thị K.O. là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không phải là sản phẩm do chủ nhãn hiệu sản xuất cho phép sản xuất, phân phối trên thị trường.

Qua đó bà K. O. đã thừa nhận hành vi vi phạm: mua quần áo trẻ em, bóp các loại nêu trên và kinh doanh quần áo vi phạm quy định pháp luật.

Đại diện Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, thông qua Hội đồng xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính với Chứng thư thẩm định giá Trung Tín với tổng giá trị hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nêu trên là 113.200.000 đồng. Như vậy bà K.O. đã vi phạm khi có hoạt động kinh doanh qua ứng dụng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan chức năng biết, kinh doanh hàng hòa không có nguồn gốc xuất xứ, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định, giả mạo nhãn hiệu trị giá hàng hóa lên 113.200.000 đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã gửi hồ sơ vụ việc kinh doanh hàng giả có dấu hiệu hình sự sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Biên Hòa để tiếp tục điều tra theo quy định của pháp luật.

Thời gian qua, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai liên tục phát hiện những cơ sở kinh doanh có vi phạm về nhãn mác, sở hữu trí tuệ và giả mạo nhãn hiệu. Trước đó, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cửa hàng Quỳnh Quỳnh, địa chỉ: tổ 13, khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do bà Tạ Thị Quỳnh Anh là người đại diện, tổng mức phạt tiền nộp ngân sách là 51.250.000 đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 90.000.000 đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trên 1.000 chai dầu thơm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Căn cứ Biên bản vi phạm hành chính của Đội Quản lý thị trường số 1, ngày 31/5/2021, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cửa hàng Quỳnh Quỳnh, địa chỉ: tổ 13, khu 13, xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai do bà Tạ Thị Quỳnh Anh là người đại diện; ngành, nghề kinh doanh: mua bán quần áo may sẵn, mỹ phẩm; đã có hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả hiệu nhãn hiệu Chanel đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam trên môi trường internet (bán hàng thông qua Mạng xã hội- Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/leduongbaolam.keptuben);

Kinh doanh 10.300 sản phẩm mỹ phẩm các loại là hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 60.500.000 đồng; Bán 1.118 chai dầu thơm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 29.500.000 đồng. Tổng mức phạt tiền nộp ngân sách của 3 hành vi trên là 51.250.000 đồng. Áp dụng hình thức phạt bổ sung: đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa trong thời hạn 02 tháng đối với hành vi bán hàng hóa vi phạm giả mạo nhãn hiệu. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu gồm: 1.180 chai dầu thơm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Chanel, Gucci được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam.

Hải Đăng